Dư luận không đồng tình với bản án sơ thẩm

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2010/DS-ST ngày 3-3-2010 của TAND TP Huế, thẩm phán Trương Cao Sơn, Chủ tọa phiên tòa tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
 
Theo đó, thứ nhất, bản án công nhận văn tự mua bán cho nhận ngôi nhà tọa lạc tại 58 (số mới 88) Trần Nguyên Đán, với diện tích 30m2, được ký kết giữa vợ chồng bà Phan Thị Thu (chị bà Phan Thị Lộc) và Nguyễn Văn Trâm (bị đơn, trú 30/7 kiệt 137 Đinh Tiên Hoàng, Thuận Lộc, Huế) cho bà Phan Thị Lộc (UBND phường Thuận Hòa xác nhận vào ngày 29-10-1994) là hợp pháp; đồng thời, bà Phan Thị Lộc có nghĩa vụ đăng ký quyền sở hữu nhà ở tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
 
Thứ hai, bản án không chấp nhận yêu cầu của bà Phan Thị Lộc đề nghị công nhận “giấy chứng nhận cho nhà - cho đất” mà vợ chồng bà Phan Thị Thu ký kết cho bà vào ngày 8-1-1995 (UBND phường xác nhận chữ ký của bà Phan Thị Thu sau đó tám ngày).
 
Quá bức xúc với bản án sơ thẩm nói trên, sau đó, bà Phan Thị Lộc có đơn kháng cáo yêu cầu TAND tỉnh hủy bản án này và chuyển hồ sơ cho TAND TP Huế giải quyết lại theo quy định của pháp luật; do không đồng ý với cách đánh giá chứng cứ và áp dụng luật nội dung trong quá trình tiến hành tố tụng, giải quyết vụ án cũng như phần nhận định bản án mập mờ, thiếu khách quan và minh bạch.
 
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng có đơn kháng cáo yêu cầu TAND tỉnh công nhận văn tự cho nhận nhà đất lập ngày 26-1-1994 kèm theo quyền sử dụng đất (QSDĐ) 153m2, giấy cam đoan nguồn gốc sử dụng đất và giấy chứng nhận cho nhà, đất; do vợ chồng bà Phan Thị Thu lập được UBND phường niêm yết bảy ngày trước khi chứng thực. Ngoài ra, sau khi Báo Thừa Thiên Huế nhiều lần phản ánh, dư luận cũng rất bất bình và thất vọng đối với kết quả xét xử lần này của TAND TP Huế đối với bản án sơ thẩm nói trên.
 
Sai sót của TAND TP Huế
 
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh, bà Phan Thị Lộc khai rằng: nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp, do bà Phan Thị Thu nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Đông vào ngày 5-12-1981. Năm sau, bà Phan Thị Thu làm nhà trên thửa đất đó với diện tích 30m2 và đến năm 1999 mới phá bỏ nhà cũ để xây dựng nhà mới như hiện nay.
 
Tuy nhiên, vợ chồng ông, bà Phan Thị Thu, ông Phan Tin (em bà Phan Thị Thu) và bà Nguyễn Thị Thuận (mẹ của các ông, bà Phan Thị Thu, Phan Tin và Phan Thị Lộc) đều khai: Năm 1981, bà Nguyễn Thị Thuận mua của bà Nguyễn Thị Đông thửa đất đó với diện tích 330m2; do bà Nguyễn Thị Thuận chưa nhập hộ khẩu về Huế nên nhờ bà Phan Thị Thu đứng tên. Sau khi mua đất xong, bà Nguyễn Thị Thuận xây dựng nhà với diện tích 30m2 để ở cùng các con (lúc này bà Phan Thị Lộc lấy chồng ở xa và đến năm 1990, bà mới về sống chung cùng gia đình. Riêng bà Phan Thị Thu, từ năm 1982 đến nay không còn chung sống trong gia đình).
 
Đến năm 1999, bà Nguyễn Thị Thuận tháo dỡ ngôi nhà cũ để làm nhà cấp 4 như hiện nay (do trong khi làm nhà, gia chủ không thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước nên bị UBND TP Huế xử phạt hành chính). Mặt khác, năm 1987, thửa đất này được các ông, bà Phan Thị Thu, Nguyễn Thị Thuận và Phan Tin chuyển nhượng cho ông Huỳnh Văn Thành với diện tích 170m2 (phía ông Phan Tin nhận 5,5 chỉ vàng và 16 ngàn đồng).
 
Theo nhận định của thẩm phán Trần Hưng Bính, Chủ tọa phiên tòa xét xử TAND tỉnh, các lời khai của các bên đương sự đều mâu thuẫn nhau, nhưng TAND TP Huế không yêu cầu các bên này phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ; đồng thời, không tổ chức đối chất giữa các đương sự, vì các vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ.
 
Mặt khác, bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP Huế xử công nhận ngôi nhà tại 18A Thạch Hãn (số mới 88 Trần Nguyên Đán) với diện tích 30m2 giữa vợ chồng bà Phan Thị Thu với bà Phan Thị Lộc là không thể thi hành án được; vì ngôi nhà cũ có diện tích như đã nêu bị tháo dỡ từ lâu (nhà mới xây dựng có diện tích lớn hơn nhiều, nhưng bản án dân sự sơ thẩm này không xác định cụ thể vị trí, kích thước diện tích 30m2 nhà ở nằm tại đâu - xem ảnh kèm theo).
 
TAND TP Huế sẽ giải quyết lại vụ án theo trình tự sơ thẩm
 
Đồng quan điểm với với nhiều bài báo đăng tải trên Báo Thừa Thiên Huế suốt thời gian dài, tại phiên tòa phúc thẩm nói trên, ThS.LS Nguyễn Văn Phước (Trưởng Văn phòng Luật sư Huế) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cũng như các bà Nguyễn Thị Lộc và Nguyễn Thị Hồng đều yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; vì có nhiều sai sót.
 
Do vậy, xét những sai sót của tòa án cấp sơ thẩm như đã nêu, tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nên tại Bản án số 15/2010/DS-PT ngày 10-6 vừa qua, TAND tỉnh xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm nói trên của TAND TP Huế và giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho tòa án này giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.
 
Trải qua tám năm trời phải lâm vào cảnh “vô phúc đáo tụng đình”, đến nay, mong ước duy nhất của các bà Nguyễn Thị Hồng và Phan Thị Lộc sắp trở thành hiện thực. Để việc giải quyết lại vụ án một cách sòng phẳng và khách quan, chắc chắn rằng, trong phiên tòa sắp đến, TAND TP Huế phải thể hiện sự công minh và đúng đắn của pháp luật nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nói riêng cũng như bảo vệ sự công minh của pháp luật nói chung.
 
Vĩnh Cự