Những anh hùng liệt sĩ này đã hiến dâng mồ hôi, máu, xương trong việc khẳng định chủ quyền của nước nhà  trên Biển Đông. Tiếc thay, ở kinh đô Phú Xuân, người xưa đã không xây dựng đền miếu để phụng thờ những anh hùng liệt sĩ Hoàng Sa - Trường Sa. Bây chừ, Huế đã trở thành di sản văn hóa thế giới, việc xây dựng một công trình đền miếu nhằm phụng thờ anh hùng liệt sĩ Hoàng Sa-Trường Sa sẽ mang nhiều ý nghĩa tích cực.

Thử  tìm một cơ sở lịch sử đầy ấn tượng, giúp chúng ta mạnh dạn lập đề án xây dựng công trình đền miếu phụng thờ như đã nêu. Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, chép nhiều sự kiện chứng tỏ vua Minh Mạng, noi gương các chúa Nguyễn và tiên đế Gia Long, rất quan tâm chủ quyền của Đại Nam ở Biển Đông, trong đó có các đảo to, nhỏ và đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự thưởng phạt của nhà vua đối với quan, binh, dân công cán ở Hoàng Sa- Trường Sa rất kịp thời. Khi những người làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa gặp thiên tai, thoát nạn trở về, nhà vua sai Bộ Lễ sắm lễ vật để tạ thủy thần đã cứu giúp họ. Sử chép “Kỷ Hợi, Minh Mệnh năm thứ 20 [1839], mùa thu…Phái viên đi Hoàng Sa là bọn Suất đội Thủy sư Phạm Văn Biện trước đây bị bão sóng làm tản mát, đến nay lục tục về tới Kinh. Hỏi, chúng nói nhờ có thủy thần cứu giúp. Vua sai Bộ Lễ chọn địa điểm ở đồn cửa biển Thuận An đặt đàn dùng lễ Tam sinh hướng ra biển lễ tạ. Thưởng tiền cho Phạm Văn Biện và viên biền binh, dân đi theo phái đoàn có thứ bậc khác nhau”.

Thiết nghĩ, cần chọn một khoảnh đất công ngay cửa biển Thuận An cũ (làng Hòa Duân), trước trấn Hải Thành, để xây dựng “Miếu thờ anh hùng liệt sĩ Hoàng Sa - Trường Sa”. Miếu thờ ba gian hai chái, kiến trúc cổ nhưng bằng bê tông cốt thép (giả gỗ)…Gian giữa thờ các vị nhân thần Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (thời Lý - Trần), Đông Hải đại vương Trần Quốc Nghiễn (thời Trần), Đông Hải đại vương Nguyễn Phục (thời Lê)… Gian tả thờ các anh hùng liệt sĩ thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn đã có công trạng và có vị đã hy sinh trong việc thực thi chủ quyền thiêng liêng của nước Việt trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Gian hữu thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa - Trường Sa trước sự xâm lược trắng trợn, bất chấp công pháp quốc tế của Trung Quốc. Hai chái và nhà “vỏ cua” trước miếu sẽ trưng bày tranh ảnh, hiện vật thực hoặc phục chế thể hiện chủ quyền thiêng liêng của nước Việt trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Tương tự, lễ cầu ngư ở Thuận An, trước sân miếu có thể tổ chức những hình thức tái hiện những hoạt động của quan, quân, dân từng theo lệnh nhà nước các thời ra Hoàng Sa - Trường Sa công tác, nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, có hai quần đảo nêu trên.

Kinh phí cho việc xây dựng sẽ huy động bằng cách quyên góp từ người Việt trong và ngoài nước, thậm chí đóng góp công sức theo từng chuyên môn của từng người trong lập đồ án kiến trúc, thi công, bảo tồn, bảo tàng, bảo vệ…

Huế là đất di sản văn hóa thế giới, Thuận An là một địa điểm du lịch nổi tiếng, nên sự tồn tại một miếu thờ anh hùng liệt sĩ Hoàng Sa - Trường Sa ở đây, ngoài chức năng phụng thờ những nhân thần, anh hùng liệt sĩ có công bảo vệ chủ quyền đất nước ở Biển Đông, có quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa còn  là nơi phổ biến đại chúng những bằng chứng thuyết phục về chủ quyền liên tục trên Biển Đông, có quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của nước ta. Tất nhiên, công trình kiến trúc này, cùng với hoạt động của nó, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng về chủ quyền thiêng liêng nói trên. Vậy rất mong các cơ quan hữu trách, có thẩm quyền lưu tâm tiến hành về ý kiến đề xuất này.

Trần Viết Điền