Dự án sản xuất, phân phối hệ thống vườn treo phục vụ cho nhu cầu trồng rau sạch và cây cảnh được phát triển bởi giảng viên Nguyễn Văn Quy và các sinh viên Lê Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Hằng, Trương Quang Sinh của Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế vừa xuất sắc vượt qua hơn 500 dự án khác để trở thành 1 trong 6 dự án lọt vào chung kết cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2016 và giành giải ba chung cuộc.

Thành viên trong nhóm chăm sóc rau trồng trên sản phẩm vườn treo

Rau bẩn đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Trước thực trạng đó người dân đô thị tìm đến phương thức trồng rau sạch tại nhà. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ diện tích, thời gian hay kinh nghiệm để có thể có vườn rau như ý. Lê Thị Thu Thảo, thành viên của dự án chia sẻ: "Xuất phát từ đó mà thầy Nguyễn Văn Quy và nhóm em đã nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu một hệ thống giúp trồng rau sạch có thể đặt được ở những nơi có diện tích hẹp, có thiết kế tự động để người bận rộn vẫn có thể sử dụng. Hệ thống này mang lại đủ rau ăn cho hộ gia đình chứ không chỉ để trồng cho vui. Sau thời gian dài nghiên cứu và cải tiến, mô hình vườn treo đã được hoàn thiện và có nhiều ưu điểm vượt trội với người dùng".

Theo Nguyễn Thị Hằng, thành viên dự án, mô hình tương tự đã có nhiều nhưng hệ thống vườn treo của nhóm có ưu điểm hơn hẳn vì ít chiếm diện tích, sạch sẽ, khép kín, ít tốn giá thể, không tốn công chăm sóc, cây cũng ít bị bệnh vì được trồng trên giá thể sạch. Hằng cho biết, hệ thống vườn treo được làm từ khung thép, thẳng đứng trong không gian. Tấm bạt trồng treo lên phần thanh sắt của khung, tạo thành hình tam giác cân. Việc trồng rau sẽ được thực hiện tại các mắt trên tấm bạt trồng ở hai mặt của khung. Cấu trúc này giúp tiết kiệm tối đa diện tích, có thể linh động đặt ở nơi phù hợp. Thiết kế dạng chéo giúp hai mặt trồng rau đều có thể nhận được nhiều ánh sáng mặt trời. Vườn có hệ thống mái che để che bớt nắng, mưa vì đặt ở sân thượng. Một ưu điểm vượt trội nữa so với các hệ thống trồng rau sạch trên thị trường hiện nay là hệ thống “vườn treo” này hoạt động theo phương pháp thủy canh hồi lưu nên không tốn nhiều nước và dinh dưỡng. Bằng việc kết nối với đồng hồ hẹn giờ, người trồng có thể đặt lịch tưới nước và chất dinh dưỡng tự động hàng ngày, do đó không tốn thời gian chăm sóc, rất phù hợp với những người bận rộn. “Diện tích tối thiểu cho một hệ thống vườn treo chỉ khoảng 1,4m2. Tuy diện tích nhỏ, nhưng do được thiết kế theo dạng vườn treo nên có thể trồng được 560 gốc rau. Vì thế, chỉ cần 2 hệ thống này có thể đảm bảo nguồn rau sạch cho hộ gia đình quanh năm”, Hằng cho hay.

Hiện tại, mô hình vườn treo đã được áp dụng tại một số gia đình ở Huế. Một hệ thống vườn treo có giá khoảng 3,5 triệu đồng, bao gồm cả công lắp đặt, hướng dẫn kỹ thuật trồng. Mức giá này khá rẻ so với nhiều mô hình canh tác tại gia khác. Trong trường hợp khách hàng yêu cầu, các thành viên của nhóm sẽ hướng dẫn chọn rau theo mùa cung cấp cây con với giá phù hợp. Việc trồng rau sạch vì thế trở nên rất đơn giản và là một cách giải trí sau giờ làm việc.

Để có thể đưa hệ thống vườn treo đến với khách hàng, khó khăn lớn nhất với nhóm bạn trẻ này là chưa có nhiều kinh nghiệm để làm các khâu, như marketing, quảng cáo. Do vậy, nhóm đã tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và triển lãm khoa học công nghệ để giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến nhiều người, đồng thời mong muốn tìm được nhà đầu tư để hỗ trợ vốn cũng như kinh nghiệm kinh doanh.

“Hiện, nhóm đã nhận được một số đơn đặt hàng từ miền Nam, Hà Nội, Hải Phòng. Với mức giá hơn 3 triệu đồng chưa kể công lắp đặt, em nghĩ sản phẩm này rất có khả năng cạnh tranh. hệ thống vườn treo có thể sử dụng được lâu dài, tận dụng được tối đa diện tích. Nhóm cũng đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền cho sản phẩm của mình”, Thảo lạc quan.

Ngọc Hà