Mệt mỏi vì tiếng ồn

Chị P. T. T. (ngụ ở Phú Mỹ, Phú Vang) than thở cứ từ dịp cuối năm cho đến đầu năm là chịu trận bởi những thứ âm thanh inh ỏi do các buổi tất niên, tân niên, liên hoan gây ra. Chị T. kể, mới đầu năm mới, người ta tổ chức tân niên cách đó mấy nhà, trong khi đó nhà chị đóng kín cửa nhưng vẫn rất ồn. Tiếng nhạc phát xập xình, tiếng hát chói tai inh ỏi khiến nhiều người không thể nghỉ ngơi.

Loa công suất lớn đặt ở lề đường gây ảnh hưởng nhiều người xung quanh

“Nhiều khi biết hàng xóm, nể nang nhau một chút, nhưng họ hát từ sáng đến chiều, ồn ào kiểu đó thì ai mà chịu được, có khi đỉnh điểm họ còn mở hết công suất. Ít ra cũng phải có chừng mực chứ ảnh hưởng đến người khác thì không hay”, chị T. bức xúc. Do ở trong khu vực có nhiều người lớn tuổi và trẻ nhỏ nên một số gia đình không chịu được đã “đề nghị” hạ công suất loa, hát nhỏ. Thế nhưng, được chừng năm, ba phút thì đâu lại vào đấy.

Còn anh M. Đ. H (ngụ ở đường Ngự Bình) thì kêu trời vì dù nhà nằm sâu trong kiệt, nhưng cứ khi tết về lại khổ sở vô cùng. Những nhà ở các kiệt khác hát hò liên tục, không kể ngày đêm. Ví như trưa mùng 8 Tết, những nhà ở các kiệt quanh đó hát xuyên trưa, khiến nhiều người không thể ngủ được, một vài người phản ánh thì họ có mở loa nhỏ lại nhưng được một hồi, khi đông người thì ầm ĩ trở lại. “Như tôi trẻ còn chịu được, chứ thấy người lớn với các em nhỏ thì chịu sao nổi”, anh H. ngán ngẩm nói. Hỏi mới biết, có nhiều người không chịu nổi tiếng ồn bởi âm thanh karaoke, tiếng loa nên phải đành “di tản” sang nhà người quen để tránh hoặc ở lại chỉ còn cách... bịt tai lại.

Khó xử lý

Tiếng ồn của âm thanh không dừng lại ở những đường làng, ngõ kiệt mà còn lan rộng ra ở nhiều vỉa hè tuyến đường chính. Họ vô tư thuê những giàn loa có công suất âm thanh cao rồi vô tư hát hò. Với tâm lý chỉ ăn chơi trong mấy ngày tết nên họ cứ thế… thoải mái, mặc cho người đi đường bức xúc. Anh Vĩnh Phong (TP. Huế) kể, có lần đi ngang trên một tuyến đường và giật mình khi chứng kiến giàn âm thanh với nhiều loa công suất lớn, nhiều người tụ tập hát hò, gây phiền toái cho người đi đường. “Tiếng loa lấn át tiếng còi xe, mỗi lần như vậy phải chạy chậm, người đi đường bực mình nhưng không làm gì được. Nhiều lúc, mong sao... cúp điện cho người ta giải tán, hết hát hò”, anh Phong bày tỏ.

Hành vi gây tiếng ồn, tùy mức độ có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định 179 (năm 2013) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, mức xử phạt từ 1 triệu đến 140 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA đến trên 40 dBA. Bên cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3-6 tháng; từ 6-12 tháng (tùy mức ồn vượt bao nhiêu so với quy định).

Ông Phan Văn Đáng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, lâu nay không nhận được phản ánh nào của người dân liên quan đến vi phạm tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Ông Đáng nhớ lại, từng có một trường hợp mở nhạc gây ồn ào trên đường Lê Lợi, sau khi thanh tra phối hợp với cảnh sát môi trường về xử lý thì chỉ nhắc nhở, vận động hộ gia đình đó mở nhạc nhỏ xuống. “Việc xử lý cũng khó khăn. Muốn đo được tiếng ồn để xử lý phải ngưng các phương tiện giao thông qua lại mới xác định nguồn phát ra bao nhiêu”, ông Đáng nói.

Riêng dịp Tết Nguyên đán này, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường không nhận được phản ánh nào xung quanh câu chuyện ồn ào âm thanh. Tuy nhiên, ông Đáng khuyến cáo, trường hợp người dân bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn thì nên gửi đơn hoặc báo lên phường để phường có cách tác động nơi gây ra tiếng ồn. Trường hợp nếu còn vi phạm sẽ xử lý theo luật định.

PHAN THÀNH