(Ảnh minh họa: msnbc.com) |
Trong khi đó, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tiếp tục giữ quan điểm tổ chức này không thể dành thêm những ưu đãi đặc biệt đối với Hy Lạp, quốc gia đang khủng hoảng và đã nhận ba gói cứu trợ tài chính kể từ năm 2010.
Những quan điểm trên được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp có thể đạt mức 2,7% trong năm nay và 3,1% trong năm 2018.
Mặc dù kinh tế phục hồi như vậy nhưng theo ông Yannis Stournaras, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, tình hình sẽ trở nên nguy hiểm nếu nước này không nhanh chóng đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế, và "mọi thứ có thể trở nên quá muộn."
Tương lai của gói cứu trợ tài chính trị giá nhiều tỷ euro đang phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Athens trong việc thực hiện nghĩa vụ cải cách kinh tế.
Các chủ nợ của Hy Lạp cũng có sự bất đồng, khi IMF không muốn tham gia chừng nào Hy Lạp chưa đảm bảo được việc sẽ có thể giải thoát bản thân ra khỏi vòng xoáy nợ nần.
Đức, quốc gia tích cực nhất trong việc cứu trợ, tiếp tục thể hiện mong muốn giữ Hy Lạp lại Eurozone. "Trong nhiều năm qua, các nước Eurozone đã đoàn kết cùng Hy Lạp với mục tiêu đưa đất nước này vào một con đường tài chính bền vững và tăng trưởng kinh tế," người phát ngôn của Chính phủ Đức Martin Schäfe khẳng định.
Ông Schäfer cũng cho biết thêm, Đức sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp Hy Lạp.
Ngày 20/2 tới, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone dự kiến sẽ gặp nhau tại Brussels để thảo luận về tiến trình cứu trợ tài chính đối với Hy Lạp./.
Theo Vietnam+