1. Không “thực hành dân chủ” (chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh), thì dù ở đâu, ở cấp nào cũng trực tiếp vi phạm một nguyên tắc lớn trong hoạt động của Đảng là tập trung dân chủ. Không “thực hành dân chủ” là cách nhanh nhất dẫn đến tình trạng chuyên quyền độc đoán, tạo ra mảnh đất cho các hệ lụy xấu nảy mầm và phát triển. Ở nơi nào không “thực hành dân chủ”, ở đó có tình trạng cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ, ở đó lợi ích nhóm được khoanh vùng và vun vén, được thỏa thuận và chia chác một cách mờ ám, ở đó các chức vụ “béo bở” được sắp đặt một cách tinh vi với một vẻ ngoài lương thiện - “đúng quy trình” bổ nhiệm - dù quy trình đó trên lý thuyết không có gì sai nhưng đã bị các thế lực độc đoán chi phối và khoác lên cái vỏ dân chủ giả tạo khi thực hiện trong thực tế.

Không “thực hành dân chủ” còn làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Không có dân chủ - như một môi trường - cán bộ cấp dưới mất động lực và năng lực sáng tạo, mức xấu hơn là “mũ ni che tai”, bàng quan với công việc chung nếu không vào hùa trong phe phái để mưu cầu lợi ích riêng. Cán bộ lãnh đạo sẽ quan liêu, thích được nịnh và “độc quyền chân lý”... Chính sự quan liêu, độc đoán, mất dân chủ của một số cán bộ, đảng viên đó làm Đảng xa dân, dân xa Đảng, gây nên nhiều “điểm nóng” bức xúc hiện nay.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu về tình trạng mất dân chủ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”; “Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, chưa có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình”. Hiện trạng này đã diễn ra nhiều năm với các biểu hiện: “Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”; “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành” vv...

2. Để sửa chữa những khuyết điểm đó, cách đây 50 năm, ngày 25/3/1967 trên báo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho chúng ta “Cái chìa khoá vạn năng”. Sau khi nêu tình trạng một số đơn vị, hợp tác xã, xí nghiệp ở Quảng Bình, Hà Tây, Hà Nội gặp những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được nhưng “nhờ cách dân chủ mà việc khó hóa ra việc dễ”, Người kết luận: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Đọc lại những luận điểm của Người có thể tìm thấy nhiều chỉ dẫn trong việc sửa chữa những sự mất dân chủ hiện nay.

Sinh thời, trong tất cả các hoạt động của Đảng và các cấp chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ, kiên quyết và triệt để chống những căn bệnh quan liêu, xa dân, bệnh công thần địa vị, coi thường kỷ luật, coi thường Nhân dân của một số cán bộ, đảng viên. Từ năm 1949, Người đã lên án hiện tượng một số cán bộ, đảng viên: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng”. Trong công việc, Người nhấn mạnh: “Lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên” và “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”. Để chống bệnh quan liêu, phải chống cách lãnh đạo chung chung: “Đảng phải đi sát quần chúng, khéo tổ chức và lãnh đạo quần chúng, thì cách mạng mới thành công”. Những điều đó đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự.

3. Hiện nay, tình trạng mất dân chủ vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, trong nhiều lĩnh vực, ở tất cả các ngành, các cấp. Nhiều cán bộ lãnh đạo vẫn độc đoán, quan liêu, suy thoái biến chất và phạm tội. Những cán bộ này đã thực sự xa dân, sợ dân và cần bị loại bỏ khỏi bộ máy nếu chúng ta muốn củng cố mối quan hệ hai chiều giữa Đảng và dân, xoá đi những “điểm nóng”, đẩy lùi quốc nạn tham nhũng. Đây là những nhiệm vụ cấp bách và khó khăn. Để thực hiện được những nhiệm vụ đó điều đặc biệt quan trọng là phải thực hiện dân chủ một cách rộng rãi, dân chủ từ cả “hai đầu” - cấp cơ sở và cấp chiến lược.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu giải pháp: “Cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Bên cạch đó, “Các cấp uỷ, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xoá bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế...” (trích Nghị quyết). Chúng ta cũng không quên cái chìa khoá vạn năng năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ cho chúng ta để vượt qua những khó khăn. “Dùng” tốt “cái chìa khóa vạn năng” đó cũng đồng thời mang lại hiệu quả kép - thực hiện tốt cả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

TS. NGÔ VƯƠNG ANH