Cần thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra năng lực của hướng dẫn viên

Dấu hỏi về chất lượng

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, việc kiểm soát cũng như kiểm định chất lượng của HDV là vấn đề khó. Lâu nay, chất lượng của các HDV được “dân” trong nghề định hình bằng việc HDV đó được giao trách nhiệm hướng dẫn tour có lượng khách nhiều hay ít. Những người được xem là giỏi nghề sẽ được các doanh nghiệp tin tưởng giao cho đoàn khách lớn. Những HDV này có khả năng bao quát và chăm sóc tốt cho cả đoàn. Còn những người được xem yếu hơn, chỉ đảm nhiệm hướng dẫn những đoàn khách nhỏ.

Chất lượng của HDV chưa được định lượng như chất lượng các dịch vụ ở lĩnh vực lưu trú, hay giá cả ở lĩnh vực lữ hành, vì thế, dù có kiểm tra, cũng rất khó để phân biệt đâu là một HDV chưa đạt chất lượng. Những lần thanh kiểm tra, Thanh tra Sở Du lịch chủ yếu xử lý những lỗi như không đeo thẻ, HDV “chui”, người nước ngoài tham gia hướng dẫn… Nỗi lo lớn nhất là những thông tin HDV cung cấp cho du khách có chính xác hay không, hoặc dẫn đến sự hiểu lầm của du khách thì chưa thể kiểm soát được. Hay các HDV có thái độ thiếu chuyên nghiệp, cò mồi, lừa khách để thu lợi... làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế vẫn chưa một lần bị “điểm mặt”.

Hướng dẫn du khách tham quan Đại Nội

Một giải pháp phần nào nâng cao chất lượng của đội ngũ HDV ở Huế là tổ chức những lớp tập huấn, hay những chuyến đi mang tính thực tế. Tuy nhiên, đa số những đợt tập huấn nhằm mục đích đổi lại thẻ và những HDV tham gia là những người có thẻ sắp hết thời hạn hoạt động. Không mang tính bắt buộc nên những HDV còn thời hạn hoạt động không tham gia. Hiện nay, ở Huế có một câu lạc bộ HDV du lịch thường tổ chức những buổi bồi dưỡng kiến thức, nhưng số lượng tham gia còn khá khiêm tốn.

Cũng đã lâu, ngành chưa tổ chức những cuộc thi về HDV giỏi. Ông Lê Ngọc Sanh thừa nhận, cách đây mấy năm, ngành có tổ chức và chọn được hai người xuất sắc nhất tham gia cuộc thi toàn quốc. Những cuộc thi này rất bổ ích, có tính cọ xát cao, nhiều người tham gia tăng cường học hỏi, nhờ vậy nghiệp vụ cũng tăng lên. Tiếc là đã nhiều năm rồi, Huế chưa tổ chức lại, bởi có nhiều lý do khác nhau.

Về phía các doanh nghiệp, việc đảm bảo chất lượng các HDV cũng là điều không dễ. Đối với các doanh nghiệp lớn, thường xuyên tổ chức các kỳ kiểm tra năng lực vì họ có nhiều HDV. Các doanh nghiệp nhỏ, chỉ có vài hợp đồng làm việc, các đợt kiểm tra là không có. Việc kiểm tra thêm phần khó, khi có khách doanh nghiệp mới hợp đồng với các HDV tự do để hướng dẫn.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế cho hay, ở Vietravel thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra năng lực của HDV. Trong đó, điều được chú trọng là khả năng hiểu biết về các điểm đến, nhất là những điểm văn hóa, lịch sử. Một phần kiểm tra để thẩm định chất lượng của chính các HDV, một phần như đánh động với các HVD khác đang và mong muốn hợp tác với công ty cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức, để có đủ khả năng hướng dẫn khách cho công ty.

Cần thêm thời gian    

Hiện nay, ở một số tỉnh, thành trong khu vực đã tổ chức những cuộc sát hạch các HDV, sau những cuộc thi đó tiến tới xếp hạng sao. HDV xếp hạng cao được dẫn nhiều đoàn và tiền công cũng cao hơn. Hiệu quả lớn nhất dễ nhận thấy đó là, chưa tính đến ai thắng, ai được xếp hạng cao, chỉ cần mỗi một HDV tự mình trau dồi năng lực, nghiệp vụ để tham gia các cuộc thi là đã tạo cho chính bản thân HDV tính tự giác nâng cao chuyên môn.

Ông Hoàng Văn Khánh nhận định, ở Huế sẽ thực hiện được nếu có cơ chế. Các doanh nghiệp sẽ dựa trên những yêu cầu chung của Nhà nước để tiến hành kiểm tra cho HDV của doanh nghiệp mình. Việc sát hạch sẽ không áp dụng chung toàn bộ HDV mà nên chia ra từng tour, tuyến. Chẳng hạn như HDV đi tuyến nội địa sẽ được kiểm tra với nhau.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, việc tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức sẽ được tổ chức thường xuyên. Ngoài những lớp mang tính định kỳ, sở sẽ tận dụng thêm các quỹ phi chính phủ để tổ chức. Chất lượng đầu ra sẽ được “rắc” lại, yêu cầu lớn nhất là nghiệp vụ phải được nâng lên sau tập huấn. Việc xếp hạng HDV theo năng lực, hay theo hạng sao thông qua các đợt sát hạch sẽ cần thêm thời gian để lên kế hoạch và triển khai. Trước mắt, sở chủ động kết nối, xây dựng được một cộng đồng HDV đoàn kết, có sự quản lý.

Một khó khăn mà quản lý ngành cần nghiên cứu, số lượng HDV tiếng Anh, tiếng Pháp lớn, việc sát hạch dễ triển khai, còn những HDV tiếng hiếm được săn đón như “ngôi sao”, doanh nghiệp không có sự lựa chọn, dù biết HDV đó có tay nghề không cao. Với những HDV tiếng hiếm, việc xếp hạng hay không đối với họ không cần thiết. Nhưng nếu không làm thì chất lượng của những HDV này vẫn mãi bỏ ngỏ.

Xếp hạng HDV là việc khó, cần quá trình, nhưng thiết nghĩ chỉ có cách này mới có thể xây dựng được đội ngũ HDV chất lượng; phần nào hạn chế được những hướng dẫn không đúng với lịch sử, văn hóa, con người Huế... dẫn đến hiểu biết sai lệch trong du khách.

Bài, ảnh: Đức Quang