Trong các cuộc điều tra chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm được công bố, trong nhiều chỉ số thành phần có chỉ số chi phí không chính thức. Và chỉ số này thường đạt số điểm thấp. Chi phí không chính thức được hiểu rộng ra là tình trạng nhũng nhiễu để tư lợi đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Những lời phàn nàn của doanh nghiệp về môi trường hoạt động cho thấy chi phí không chính thức hiện diện trong nhiều khâu của quá trình hoạt động doanh nghiệp, từ quá trình làm thủ tục thành lập doanh nghiệp đến quá trình hoạt động… thậm chí là quá trình làm các thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế.

Những năm gần đây, cùng với chương trình cải cách hành chính, môi trường hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện theo hướng tốt lên rất nhiều. Tuy nhiên, chi phí không chính thức chưa hẳn đã chấm dứt.

Chi phí không chính thức đã tạo ra những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đối với nền tảng phát triển kinh tế của một địa phương, một đất nước. Vì những chi phí này, một khi doanh nghiệp đã bỏ ra thì nó, hoặc là đưa vào giá thành của sản phẩm, dịch vụ, hoặc là làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, hoặc là bớt xén chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Và chính vì thế nó làm cho hàng hóa và doanh nghiệp kém sức cạnh tranh.

Ở chiều ngược lại, chi phí không chính thức sẽ có tác động làm tha hóa bộ máy. Tình trạng này không được hạn chế thì nó sẽ gây ra những tác động không nhỏ cho sự phát triển của xã hội. Đó là bộ máy hành chính hoạt động với năng suất, chất lượng công việc thấp. Khi nó không được cải thiện thì đến một lúc nào đó, doanh nghiệp muốn hoạt động, cũng phải tìm cách “thích nghi”. Vậy là từ sự tha hóa của cán bộ trong bộ máy nhà nước sẽ lan sang bộ máy điều hành của doanh nghiệp. Bản chất của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận nên không dễ gì họ chịu bỏ ra mà không lấy lại gì. Suy cho cùng, mọi hệ lụy của tình trạng này là xã hội phải gánh chịu. Trong một cuốn tự truyện của mình, ông Chung Ju Yung, người sáng lập tập đoàn Hyundai, một tập đoàn có sức ảnh hưởng hết sức lớn đến sự lớn mạnh của Hàn Quốc đã có một câu nói nổi tiếng khi nói về sự trong sạch, liêm chính: “Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nghe một đất nước, một xã hội, một doanh nghiệp nào đó không trong sạch mà phát triển được”. Ông cho rằng hai đất nước có bước phát triển mạnh mẽ ở châu Á đó là Nhật Bản và Singapore có vai trò rất quan trọng của việc xây dựng một xã hội trong sạch.

Làm thế nào để giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, cũng có nghĩa là xây dựng một bộ máy hành chính trong sạch là vấn đề quan trọng cho sự phát triển, bên cạnh những nhiệm vụ khác. Thời gian gần đây, trong thông điệp của Chính phủ đưa ra là quyết tâm thực hiện, trong đó có việc quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính. Cũng là để phụng sự sự phát triển của xã hội, của doanh nghiệp. Để làm được điều này, không có cách nào hay hơn là phải nâng cao sự minh bạch trong mọi lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước. Tất cả mọi qui định đều phải công khai để ai cũng dễ thực hiện, dễ kiểm chứng và dễ giám sát.    

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2017. Một số tổ chức và hội đoàn có chức năng được quyền tiến hành khảo sát, đánh giá độc lập về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ. Nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và các địa phương. Hy vọng rằng, sự giám sát được tăng cường, hoạt động của bộ máy sẽ có những chuyển biến tích cực và nhiệm vụ phục vụ cho sự phát triển sẽ được thực hiện tốt hơn.

NGUYÊN LÊ