Sau tết, anh bạn gọi điện, giục đến với A Lưới “ngay và luôn” với lý do để thưởng thức món ăn tưởng chừng chỉ có ở các tỉnh Tây Nguyên - muối kiến đỏ (một số nơi gọi là kiến vàng).
Kiến đỏ là món ăn, gia vị độc đáo của cư dân miền ngược
Kiến có nhiều loại và không phải loại nào cũng chế biến được thành món ăn và gia vị. Theo nhiều người dân vùng cao, trước đây món ăn này rất phổ biến trong đời sống hàng ngày. Cứ đến mùa, sau giờ nương rẫy, phụ nữ thường địu gùi lên rừng tìm tổ kiến. Khi đời sống vật chất lẫn tinh thần ngày càng nâng cao thì món ăn, gia vị một thời khoái khẩu vô tình bị lãng quên.
Bạn bảo, mùa kiến đỏ xây tổ là vào tháng 3-4 âm lịch, lúc này trứng kiến nhiều, to cỡ bằng đầu đũa. Ngoài trứng kiến, kiến mẹ, kiến non đều là món ăn khoái khẩu của cư dân miền ngược. Để bắt được kiến, sau khi phát hiện tổ, đồng bào dùng gùi và một chiếc sào dài nhấc tổ bỏ vào gùi rồi lắc mạnh để kiến “rã” khỏi tổ. “Không dễ để bắt loại kiến đỏ vì chúng đốt rất đau. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người không mặn mà với việc tìm tổ kiến chế biến món ăn. Nếu như lúc trước tìm tổ kiến đa số là phụ nữ thì hiện nay, đàn ông mới là người đi tìm tổ. Kiến đỏ thường làm tổ trên cây ở độ cao chừng 10-15m. Ngoài cách lấy sào dài nhấc tổ, người dân còn có cách đốt tổ kiến. Nếu đốt tổ, kiến sẽ ít có vị chua, còn lắc trong gùi kiến sẽ có vị chua chua đặc trưng. Người tìm phải biết cách phân biệt tổ kiến, thường kiến đỏ làm tổ bằng lá tươi, còn kiến đen thì tổ được làm từ phân trâu. Đến mùa xây tổ, trứng kiến là phần ngon nhất nên cần biết chọn thời điểm kiến cho nhiều trứng để đi tìm”, bạn nói.
Cách chế biến muối kiến cũng lắm công phu. Sau khi tìm được tổ kiến đỏ, chọn lấy phần kén kiến, kiến non, kiến mẹ rang với muối hột. Tiếp đến là công đoạn pha chế muối ớt giã nhuyễn theo đúng tỷ lệ, không quá mặn. Bản thân kiến đỏ đã có vị chua đặc trưng nên công đoạn pha chế muối, ớt phải làm thế nào hợp lý với vị sẵn có của kiến. Cuối cùng là công đoạn trộn hỗn hợp muối ớt và kiến với tỉ lệ phù hợp để làm thế nào độ mặn của muối, cay xè của ớt và vị chua chua của kiến hòa trộn mà không quá nồng, vẫn giữ được mùi vị đặc trưng của kiến.
Kiến đỏ còn có thể chế biến thành một món ăn riêng biệt. Nhưng nếu sử dụng muối kiến làm gia vị thì nó có thể ăn kèm với rất nhiều món ăn, nhất là các món thịt. Đến mùa kiến xây tổ, đồng bào nơi đây thường sử dụng chúng như là loại gia vị thay thế chanh để làm các món gỏi, lạp hay nấu cùng với canh sắn, canh cá…
Có dịp thưởng thức muối kiến, cá suối và ly rượu đoác ngay giữa đại ngàn Trường Sơn với những con người miệt núi khiến những ngày đầu xuân trở nên ấm áp. Càng lưu luyến hơn lúc chia tay bạn tặng một hũ muối kiến với lời dặn: “Để 4 ngày sau ăn sẽ rất thơm, có thể sử dụng như là gia vị cho tất cả các món ăn”.
Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN