Niềm vui lớn đối với nông dân là không còn cảnh nghèo, tạm bợ. “Bức tranh” NTM giàu, đẹp đang dần hiện hữu.

Đời sống đã khác xưa nhiều rồi!
 
Đó là câu nói của nhiều người dân xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) mà chúng tôi từng nghe khi về vùng quê này. Cảnh nghèo khó lùi xa, thay vào đó một “bức tranh” làng quê sôi động và trù phú. 
 

Tuốt lúa bằng cơ giới ngay trên đồng ruộng

 
Về Phú Thanh vào ngày mùa, chứng kiến những cánh đồng lúa vàng rực rỡ cho năng suất bình quân trên 60 tạ/ha. Theo những con đường nội đồng, bê tông, phương tiện cơ giới, xe máy ra tận ruộng thu hoạch và vận chuyển lúa về nhà. Cây lúa tuy là chủ lực nhưng không phải là duy nhất. Những cánh đồng rau sạch, hoa chất lượng cao ở địa phương này “mọc lên” ngày càng nhiều cho thu nhập bình quân mỗi ha hàng trăm triệu đồng. Nhiều mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại an toàn sinh học được quan tâm đầu tư phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao...
 
Ông Hồ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương gắn với phát triển ngành nghề, dịch vụ, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Đó là biện pháp phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững trong xây dựng NTM của xã. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 ở xã Phú Thanh đạt gần 15 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%.
 
Có dịp về các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận sự đổi thay nhanh chóng. Cảnh đói nghèo bây giờ không còn là chuyện đáng bàn, thay vào đó là lo chuyện làm giàu, xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại. Hầu hết các địa phương tận dụng lợi thế của từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp. Vùng đồng bằng ven biển, đầm phá hình thành và phát triển những mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, như tôm sú, tôm chân trắng, cua, cá mú, cá dìa, cá hồng, trìa, vẹm, ngọc trai... Nhiều trang trại tổng hợp, gia trại chăn nuôi lợn, nhím, dê, bò và vùng chuyên canh trồng rau sạch, lúa chất lượng cao, những cánh đồng mẫu lớn mọc lên ngày càng nhiều. Phần lớn các mô hình cho thu nhập từ trăm triệu đến vài trăm triệu đồng. Ở vùng núi, gò đồi bạt ngàn cao su, cà phê, rừng keo tràm cho thu nhập bình quân mỗi ha từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Không ít nông dân xây nhà hai, ba tầng, tậu ô tô trở thành “đại gia”... Hộ khá, giàu ở nông thôn ngày càng tăng, hộ nghèo toàn tỉnh giảm chỉ còn 7% (năm 2011).
 
Sắc diện hạ tầng NTM
 
Đến nay, 92% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; gần 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống thủy lợi kiên cố đáp ứng yêu cầu sản xuất 72,8% diện tích sản xuất toàn tỉnh... Tính đến 1/7/2011, ở khu vực nông thôn có khoảng 150 ngàn hộ (giảm 10.448 hộ so với năm 2006), gần 597 ngàn nhân khẩu và 329 ngàn người trong độ tuổi lao động (giảm 14,6% so với năm 2006). Tổng thu nhập bình quân đầu người 1,241/tháng, tăng 2,9 lần so với năm 2006, bình quân mỗi năm tăng 23,6%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 10,77%...
Ông Đoàn Thao, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang cho biết, đến nay toàn huyện có trên 80% tuyến đường làng, ngõ xóm được bê tông, tráng nhựa. Huyện xây mới hàng trăm km kênh mương thuỷ lợi và nhiều trạm bơm phục vụ tưới tiêu, nâng tỷ lệ đê bao, kênh mương kiên cố đạt 85%.
 
Cũng theo ông Đoàn Thao, tạo thuận lợi ứng dụng khoa học kỹ thuật, “cơ giới hoá” trong sản xuất, huyện Phú Vang chú trọng đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng cơ bản hoàn thiện. Địa phương kết hợp triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng giao thông nội đồng, “dồn điền, đổi thửa” và “cơ giới hóa”. Từ đó, trên địa bàn hình thành các vùng chuyên canh lúa, rau an toàn, mô hình trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện “cơ giới hoá” trong sản xuất nông nghiệp khoảng 70%. Ông Đào Thanh Quy ở Phú Thanh cho biết, trước đây gia đình ông cũng như bà con nông dân thuê trâu cày 5-7 sào ruộng phải mất hơn một ngày, chi phí mỗi sào khoảng 50 ngàn đồng. Nay bà con cày đất bằng máy mỗi ngày có thể hơn mẩu rưỡi, chi phí cũng chỉ tương đương cày bằng trâu. Khâu gặt lúa, thổi lúa bằng máy cũng nhanh hơn gấp 5-10 lần, nhưng chi phí có thể thấp hơn so với gặt thổi bằng thủ công.
 
Hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới được xem là khó khăn nhất nay cũng đổi thay rõ rệt. Đường bê tông, tráng nhựa vào tận các thôn, bản trên địa bàn. Hàng loạt cây cầu được xây dựng vắt qua sông, qua suối trị giá hàng trăm tỷ đồng đã giải quyết cơ bản tình trạng chia cắt giữa các vùng trên địa bàn. Các công trình đê bao, thuỷ lợi, giao thông nội đồng vùng cao được quan tâm đầu tư tạo thuận lợi trong sản xuất. Nước sạch cũng vượt núi đồi lên tận vùng cao; điện lưới quốc gia vào tận từng thôn, bản, từng hộ gia đình phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân. Hệ thống trường học, trạm y tế cơ sở được quan tâm xây dựng khang trang. Cơ sở vật chất y tế, giáo dục được được trang bị đáp ứng yêu cầu, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và dạy học ở vùng cao.
 
Bài, ảnh: Hoàng Triều
Kỳ 2: Chính sách đầu tư và những hạn chế