Chủ động yêu cầu tòa ly hôn nhưng người phụ nữ trẻ có 2 con nhỏ ấy buồn rười rượi. Chị nói không người vợ nào muốn mất gia đình. Không người mẹ nào muốn con mình “mất” cha.

Thế nhưng, bị đơn một mực không chịu ly hôn, dù cán bộ tòa đã rất vất vả trong việc triệu tập, đến nỗi phải “tác động” cha mẹ bị đơn, nhờ họ khuyên bảo con trai, mới mời được đến tòa.

Tại buổi hòa giải, bị đơn vẫn khăng khăng không đồng ý yêu cầu ly hôn mà  vợ đưa ra. Người vợ đang ngồi lặng lẽ, nghe vậy dường như không nén được bức xúc: “Anh đánh đập tôi như cơm bữa vậy, thương yêu gì vợ mà không chịu ly hôn. Riêng tôi thì không thể nào chịu đựng thêm được nữa”. Bị vợ “tố” trước mặt cán bộ tòa, lúc này người chồng mới bào chữa là đôi lúc bực quá mới tát vợ, chứ không gây thương tích trầm trọng. “Lúc đó cô vợ rơm rớm nước mắt “chất vấn”: “Nửa đêm anh dùng thắt lưng quật vào người tôi gây ra bao nhiêu vết lằn bầm tím, vậy mà ...”. Cô vợ chưa nói hết câu, anh chồng quay qua lừ mắt gằn giọng:  “Im đi”. "Ngay chốn công đường mà anh  còn cộc cằn đến thế, huống chi chỉ vợ chồng ở nhà với nhau", cán bộ tòa trực tiếp hòa giải hai đương sự nhận xét.

Vợ chồng nọ ở riêng, có hai con chung còn nhỏ. Người vợ trình bày, bị chồng thường xuyên đánh đập, nhiều lần cô phải “cầu cứu” công an. Thế nhưng, chồng cô vẫn chứng nào tật nấy. Cái khó..., cô và anh ta là vợ chồng, người ta cho rằng chuyện gia đình, nên không xử lý quyết liệt. Bị chồng thường xuyên đánh đập, không những cô mất hết tình cảm mà còn lo sợ sức khỏe, tính mạng bị đe dọa. Do đó, cô mới phải yêu cầu tòa “khai tử” hôn nhân. Hiện cô đã về nhà cha mẹ, sống ly thân. Biết cha mẹ ly hôn, hai con nhỏ sẽ phải thiệt thòi. Nhưng nếu để các con chứng kiến cảnh cha đánh mẹ, chứng kiến bạo lực gia đình, sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý và nhân cách các cháu nhiều hơn, đường cùng người phụ nữ đó mới đành phải “đưa” cái tổ đã lạnh của mình ra chốn pháp đình.

Theo thẩm phán Nguyễn Thị Phương Dung, TAND TP. Huế, thực hiện hòa giải thành các vụ án hôn nhân gia đình, các vụ tranh chấp dân sự là niềm vui của người làm công tác xét xử. Vậy nên, cán bộ tòa án bao giờ cũng “dốc sức”, dốc tâm huyết để phân tích, thuyết phục, hòa giải. Thế nhưng, yếu tố quyết định lại chính là bản thân các bên đương sự phải thực sự chuyển biến, chứ không chỉ là lời hứa hẹn suông. “Với hai vụ án trên, nếu người chồng sau khi tòa án hòa giải đoàn tụ thành hoặc tòa xử cho vợ chồng đoàn tụ, trong quá trình chung sống vẫn chứng nào tật nấy đánh đập vợ, bạo lực gia đình vẫn xảy ra, thì gia đình tan vỡ là cái kết đắng không thể nào tránh khỏi”. 

 Quỳnh Anh