Đợi “dài cổ"

Tuyến xe buýt Bến xe phía Nam - thị trấn Phong Điền được mở nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, cán bộ, công nhân, viên chức. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, đặc biệt từ sau Tết Đinh Dậu, tuyến xe buýt nói trên bộc lộ nhiều bất cập, khiến hành khách trễ việc.

Hành khách phàn nàn chất lượng phục vụ của xe buýt Hoàng Đức

Chị Nguyễn Khoa Xuân Thủy, nhân viên một khách sạn trên địa bàn TP. Huế bức xúc: “Đầu tháng 2, mình đến trạm xe buýt thị trấn Phong Điền để vào TP.Huế làm việc. Dù có mặt từ 6h45 nhưng đợi đến hơn 7h30 mới có xe đến (trong khi cứ bình quân 15 phút có một chuyến xe). Khi xe vào trạm Bến Ngự (TP.Huế) thì đã 8h30. Ngày đầu tiên đi làm sau tết, mình bị trễ ”. Chị Thủy nhà ở thôn Trạch Thượng 1 (thị trấn Phong Điền), do đặc thù công việc, địa điểm làm việc xa nên 7 năm nay, chị chọn tuyến xe buýt để tiện đi lại. “Trễ việc nhiều lần mình bị cơ quan nhắc nhở, nhưng cũng chẳng biết kêu ai, vì gọi vào đường dây nóng của công ty thì đầu dây không nhấc máy nên nhiều bữa phải gọi người nhà đến chở vào cơ quan cho kịp giờ làm”, chị Thủy than thở.

Nhiều hành khách phản ánh, khi đi tuyến xe buýt Phong Điền dừng ở các trạm Tứ Hạ, Đồng Lâm đều bị chậm, trễ chuyến, ảnh hưởng đến công việc. Chị Nguyễn Thị Như Hà (làm việc tại Hội Nông dân tỉnh) cho biết: “Mình mua vé tháng, mỗi tháng 160 nghìn đồng mà xe buýt bữa có bữa không, rất bất tiện. Mới đây, ngày 8/2, mình đi chuyến Tứ Hạ-Huế, đợi từ 6h15 đến 7h15 không thấy xe nên đành đón xe khách để vào cơ quan cho kịp giờ làm. Đi xe khách thì chỉ vào được Bến xe phía Bắc, lại đi thêm một lần xe ôm nữa tốn kinh phí và thời gian”.

Hành khách đi xe buýt còn phản ánh, xe buýt Hoàng Đức thường bị hỏng trên đường, làm ảnh hưởng đến công việc đi lại của người dân; xe mất vệ sinh, tài xế thiếu nhã nhặn với hành khách.

Chờ chấn chỉnh

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải và Phương tiện (Sở GTVT) cho biết, trước phản ánh của người dân, ngay từ trong tết, sở đã có cuộc làm việc với Công ty Hoàng Đức, yêu cầu đơn vị này chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt đối với các tuyến xe buýt được Nhà nước trợ giá. Thời gian vừa qua, xe buýt Hoàng Đức hoạt động còn một số tồn tại như xe chạy không đúng giờ, tình trạng xe cũ, xuống cấp, hay hư hỏng; thiết bị giám sát hành trình một số xe hoạt động không tốt, thường xuyên mất tín hiệu, ảnh hưởng đến việc kiểm tra, theo dõi của Sở GTVT. Việc điều động, bố trí xe dự phòng để thay thế xe hư hỏng trên tuyến chưa phù hợp, ảnh hưởng đến hành khách; xe quá bẩn, chạy đón, trả khách nhanh, dừng đột ngột và kế hoạch bảo dưỡng xe chưa hợp lý.

“Sau khi làm việc, phía công ty đã có một số chấn chỉnh như đưa xe về trụ trở công ty (trước đây ở Bến xe phía Nam) để dễ dàng quản lý và sửa chữa; bố trí lại nhân sự làm việc và công ty đang xây dựng phần mềm quản lý, giúp hành khách  dễ dàng truy cập, chủ động, thuận tiện trong việc đón xe đi các tuyến”, ông Hồng nói.

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay, tại buổi làm việc trên, sở yêu cầu Công ty Hoàng Đức thực hiện đúng biểu đồ chạy xe đã được chấp thuận, xe chạy phải đúng giờ, đúng tuyến, đủ số nốt và đúng hành trình; xây dựng kế hoạch bảo dưỡng xe phù hợp, đảm bảo an toàn kỹ thuật khi hoạt động; cử cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Hoàng Đức Hoài, Giám đốc Công ty Hoàng Đức thừa nhận, đối với các tuyến xe buýt chậm là do một số nút giao thông ở TP. Huế thường xuyên diễn ra kẹt xe, nhất là thời điểm sau khi công ty chuyển từ xe 40 chỗ sang xe 60 chỗ. Đối với tuyến xe buýt Phong Điền, công ty đã tăng cường thêm 2 tuyến xe dự phòng và thời gian tới sẽ tăng cường thêm 3-4 xe cố định nữa nhằm khắc phục sự cố xe hư hỏng. Cũng theo ông Hoài, công ty đã thay thế 6 xe loại 60 chỗ, thay đổi lái xe nhằm tăng chất lượng phục vụ. “Việc người dân phản ánh qua đường dây nóng của công ty, đầu dây không bắt máy là có thật. Chúng tôi đã chấn chỉnh việc này”, ông Hoài khẳng định.

“Sắp tới chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại lề lối làm việc, tăng cường công tác bảo dưỡng sửa chữa. Hiện nay, khó khăn là do vừa thi công xong Quốc lộ 1A nên các biển cấm dừng đỗ, các nhà chờ xe buýt bị tháo đi nên công tác đón đỗ khó khăn. Đến tháng ba tới, công ty tiến hành xây dựng lại, lộ trình khoảng 2-3 tháng mới xong. Do vậy, phía công ty mong muốn người dân chia sẻ trong thời gian hoàn thiện các cơ sở nói trên”, ông Hoài phân trần.  

Theo Sở GTVT, Công ty Hoàng Đức đang có 49 đầu xe, khai thác 12 tuyến xe buýt trên địa bàn toàn tỉnh (trong đó có 5 tuyến được Nhà nước trợ giá). Từ tháng 10/2016, sở đã có văn bản gửi Công ty Hoàng Đức yêu cầu chấn chỉnh hoạt động xe buýt của đơn vị này do chưa thực hiện đúng việc niêm yết bên ngoài, bên trong xe; phần lớn xe chạy không đúng giờ, không đủ số chuyến theo biểu đồ; trong quá trình hoạt động có một số nội dung thay đổi nhưng không báo cáo Sở GTVT…

Hà Nguyên