Dấu thời gian trên ngôi nhà của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị

Tình cờ trong một cuộc gặp với họa sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Khánh, người gọi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị là ông nội bác, chúng tôi được chia sẻ về câu chuyện của Châu Hương viên. Âu đó cũng là nỗi niềm của người hậu thế.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một vương tôn, con cụ Hiệp Tú Tiểu Thảo Hường Thiết, cháu nội ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh, đỗ cử nhân Hán học (1909), được bổ làm tri huyện, rồi tri phủ, bố chánh Hà Tĩnh. Khi về hưu được phong hàm Thượng thư, Hiệp tá Đại học sĩ, từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (1940 - 1945). Châu Hương Viên gồm ngôi nhà cổ và khu vườn rộng tọa lạc ở thôn Tây Thượng, cặp theo sông Hương, là đình hưu duy nhất, nơi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống trọn cuộc đời với thi ca sau khi rời quan trường. Phía ngoài ngôi nhà có một cái cổng rất đẹp, trên đúc ba chữ Châu Hương Viên. Cái cổng này đã phải phá đi khi chính quyền Ngô Đình Diệm mở rộng đường lên Thuận An. Ngôi nhà cổ có ba gian, hai chái, trổ rất nhiều cửa với hai lớp cửa gỗ và cửa gương nên thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Châu Hương viên không mỹ lệ, cũng không phải là phủ đệ nguy nga, nhưng là nơi được đón tiếp rất nhiều thi nhân, nghệ sĩ lừng danh đương thời. Thời thế thay đổi, con cháu mỗi người một phận tứ tán ly hương nên việc gìn giữ Châu Hương viên đến nay không còn được liên tục. Ngôi nhà chỉ còn là hoang phế, dấu tích xưa chỉ còn được “nghe kể”, khu vườn rộng kéo dài từ đường Nguyễn Sinh Cung ra đến bến sông Hương cũng đã ken kín nhà dân.

Theo ông Vĩnh Khánh, sau khi cụ Ưng Bình mất, ngôi nhà do người con trai cả quản lý. Sau vì hoàn cảnh, gia đình người con ấy cũng rời đi. Nhiều năm sau, thỉnh thoảng các con của cụ có về Huế, thăm lại mái nhà xưa nhưng không thể làm gì hơn để ngăn chặn sự lấn chiếm đất đai của những hộ dân xa lạ. Nhiều năm sau, các con của cụ Ưng Bình, trong đó có nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương có ý hiến tặng ngôi nhà chính còn lại trong Châu Hương viên cho chính quyền địa phương để làm nhà lưu niệm. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, điều đó chưa thể thành hiện thực. Ngôi nhà ngày càng đìu hiu, xuống cấp, đổ nát. Đến như bà Tôn Nữ Hỷ Khương, trong lần trở lại thăm nhà năm 2001, thấy cảnh Châu Hương viên mà ngậm ngùi.

Thấy chúng tôi đến thăm ngôi nhà của cụ Ưng Bình, ông Nguyễn Tấn Túc, người ở sát bên, vui vẻ bắt chuyện. Ông Túc đến ở đây từ năm 1968, cùng năm với gia đình người con trai cả cụ Ưng Bình rời đi. Thỉnh thoảng ông vẫn thấy các con cụ về thăm nhà và một số nhóm người đến chụp hình, nghiên cứu. Ông nói: “Sách vở, thông tin nói về cụ Ưng Bình nhiều lắm, cụ cũng nổi tiếng lắm, nhưng điều kiện con cháu có hạn nên đành chịu. Xưa, quanh đây toàn đất vườn nhà cụ, nay đến một ngôi nhà đây cũng không giữ được. Thật tiếc!”.

Cùng tấm lòng trân quý cụ Ưng Bình, chúng tôi xin thêm một lần trăn trở cùng nỗi niềm của nữ sĩ Hỷ Khương: "Chúng tôi hiểu rằng việc chính quyền địa phương từng hứa lấy lại Châu Hương Viên làm địa chỉ văn hóa là xuất phát từ tấm lòng chân thành yêu quý, kính trọng thầy tôi, nhưng chưa thực hiện được là do lực bất tòng tâm vì liên quan đến việc giải tỏa, di dời hàng chục hộ dân, cũng như sự tốn kém để nâng cấp ngôi nhà cổ. Chúng tôi chẳng dám mong ngôi nhà cổ được trở thành Nhà lưu niệm Ưng Bình Thúc Giạ Thị, chỉ mong ngôi nhà ấy được sử dụng cho mục đích văn hóa là nguyện ước tha thiết của gia đình chúng tôi đã thành rồi".

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN