Lao động trẻ thích “nhảy việc” để tìm công việc phù hợp (ảnh minh họa)

Sau khi tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin, nhờ có năng lực, Đức được nhận làm một công ty thuộc tập đoàn công nghệ hàng đầu. Lương khởi điểm trên 10 triệu đồng/tháng là niềm ao ước của nhiều người. Tuy nhiên, công việc này vẫn chưa khiến Đức hài lòng, bởi chuyên môn cao, anh muốn thử sức mình ở công việc phù hợp hơn. Vận may đã đến với Đức khi một công ty khác “nhắm” trúng, mời anh về làm việc ở bộ phận bảo trì hệ thống, mức lương cao gấp đôi, Đức lập tức nhận lời.

“Nhảy việc” có thể do nguyên nhân bắt nguồn từ công việc đó chưa thực sự ổn định. Tuy nhiên, cũng có thể bắt nguồn từ chính các bạn trẻ, khi mà năng lực chưa thực sự đáp ứng được công việc nên bắt buộc phải “dứt áo ra đi” để lựa chọn một công việc đơn giản, vừa tầm hơn. Hay sinh viên mới ra trường chỉ muốn đi làm để lấy kinh nghiệm và sau một thời gian cảm thấy không còn học hỏi được gì thì cũng quyết định chuyển sang nơi khác. Tốt nghiệp cử nhân báo chí, thời gian đầu Tú làm cộng tác viên cho một tờ báo lớn nhưng sau thấy không “kham” nổi công việc, anh chuyển qua làm cho một công ty truyền thông. Tú nói: “Làm nhân viên truyền thông phù hợp với khả năng của tôi hơn. Ngành học của tôi đào tạo ra làm báo, làm truyền thông nên tôi cũng không thấy mình bị làm trái ngành”.

Một nguyên nhân khiến cho những người đang làm việc cảm thấy không hài lòng, thậm chí thờ ơ với công việc hiện tại là do không có được cơ hội để cống hiến. Họ muốn được thừa nhận, được thăng tiến, phát triển nghề nghiệp và được hưởng những quyền lợi đúng với công sức. Những người nung nấu ý định “nhảy việc” thường không làm hết sức mình, không thực sự hoàn thành nhiệm vụ và không còn hứng thú với công việc hiện tại. Dũng, sau 5 năm ra trường với tấm bằng công nghệ thông tin, thực lực có thừa nhưng số lần anh “nhảy việc” khiến người ta choáng váng - 12 lần trong 5 năm. Lý do cũng rất “muôn màu muôn vẻ”: “sếp” khó tính, lương không cao, không thích công việc đó... Mỗi lần nhảy việc là một lần anh phải thử việc lại từ đầu, học những chuyên môn mới. Rút cuộc sau 12 lần nhảy việc, anh biết nhiều nhưng chẳng “chín” được một công việc gì, cũng chưa hề được nộp bảo hiểm xã hội.

Người “nhảy việc” có nhu cầu tìm chỗ làm mới, còn nơi bị mất nhân sự thì phải tìm người mới để lấp vào chỗ trống. Nhiều lao động trẻ thì lại hay hoang phí thời gian để kiếm tìm các cơ hội việc làm cũng như không xác định được phương hướng cho mình một cách rõ ràng. Chị Đoàn Thị Hà Lan (Quản lý Trung tâm Giải trí Starlight Huế) chia sẻ: “Qua nhiều lần phỏng vấn tuyển dụng, tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ hình như không thật sự chú tâm với công việc mình nộp hồ sơ. Các bạn không hề tìm hiểu kỹ về thông tin tuyển dụng, công việc cần làm và công ty mình nộp hồ sơ, dù những thông tin ấy chúng tôi đã đăng tải trên mạng từ rất sớm. Bên cạnh đó, kinh nghiệm làm việc của nhiều bạn hầu như không có. Tôi cảm giác rằng, những bạn đó đang chỉ muốn tìm công việc tạm thời và có vẻ “kinh nghiệm nhảy việc” đã rất dày”.

"Nhảy việc" vốn không phải là việc xấu, thay đổi và tìm thêm những cơ hội mới sẽ đem lại tương lai nghề nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, người lao động, nhất là giới trẻ cần cân nhắc trước khi “nhảy việc”, bởi gắn bó với một môi trường làm việc, cũng là một ưu điểm để các bạn được cân nhắc lên một vị trí cao hơn, có thu nhập tốt hơn.

Từ trước đến nay, ngoài nắm bắt cơ hội tốt, kiên trì là mấu chốt dẫn đến thành công.

Phước Ly