Đã có hàng chục hộ đăng ký cải hoán

Cách đây mấy hôm, tiếp cận thông tin về chính sách mới cho đóng tàu xa bờ với  những hỗ trợ, ưu đãi, ông Tăng ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cùng một số ngư dân mạnh dạn đăng ký làm thủ tục đóng mới tàu công suất trên 800 CV. Ông Tăng chia sẻ: “Thấy Quyết định 47 có chính sách ưu đãi khó có cơ hội nào tốt hơn, tui quyết định vay mượn thêm bà con để đóng tàu 800 CV để vươn khơi làm giàu”.

Tàu đóng mới từ chính sách vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67

Theo Quyết định 47, khi ngư dân tự bỏ vốn đóng tàu vỏ thép sẽ được hỗ trợ một lần 35% và tàu vỏ gỗ được hỗ trợ 15% tổng giá trị (thân tàu, thiết bị, máy móc). Theo tính toán của ông Tăng: “Đóng một tàu vỏ gỗ công suất 800 CV có mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, theo Nghị định 67, hay Quyết định 89 thì người dân vay vốn được Nhà nước bù lãi 4%, ngư dân trả 3%. Bình quân mỗi năm người dân trả lãi 300 triệu đồng, như vậy tiền lãi trong vòng 10 năm gần 3 tỷ đồng. Trong khi đó, theo chính sách mới tại Quyết định 47, nếu ngư dân có tiềm lực kinh tế, tự đầu tư đóng mới sẽ được hỗ trợ một lần bằng 15% tổng mức đầu tư, tương đương 1,5 tỷ đồng”.

Ông Đoàn Thao, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT (NNPTNT) huyện Phú Vang cho biết, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục hộ ngư dân trên địa bàn đăng ký cải hoán, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ từ 90 CV trở lên; trong đó có một số hộ đóng tàu theo Quyết định 47 của Chính phủ để được hưởng chính sách hỗ trợ một lần. Tại xã Phú Thuận, ngư dân Phạm Đăng ở thôn An Dương 2 đã đăng ký đóng mới tàu vỏ thép. Các địa phương, ban ngành đang tiếp tục truyên truyền các chính sách hỗ trợ đóng tàu xa bờ đến người dân. Với những ngư dân không có tiềm lực tài chính sẽ vận động vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67, Quyết định 89, còn các hộ có điều kiện kinh tế tự bỏ vốn đóng mới sẽ được hỗ trợ vốn sau đầu tư.

Nhiều lựa chọn

Tại thị trấn Thuận An (Phú Vang), mới đây (ngày 13/2), Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức hội nghị triển khai một số chính sách phát triển thủy sản năm 2017, tập trung  phổ biến các chính sách mới về hỗ trợ cải hoán, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ.

Thu mua cá đánh bắt xa bờ tại Cảng Thuận An

Ngoài Nghị định 67 và Quyết định 89, Quyết định 47 của Chính phủ mở thêm nhiều cơ hội, tạo động lực cho các địa phương phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, sự đa dạng, phong phú các chính sách hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho ngư dân có sự lựa chọn đầu tư phù hợp với năng lực tài chính, cũng như trình độ khai thác hải sản. Với những hộ không có năng lực tài chính, có nhu cầu đóng tàu dưới 800 CV có thể  vay vốn theo Nghị định 67, Quyết định 89. Còn những hộ ngư dân tự bỏ vốn đầu tư đóng mới thì nên chọn chính sách hỗ trợ theo Quyết định 47 sẽ có lợi hơn.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo Nghị định 67, hay Quyết định 89 của Chính phủ, ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ toàn diện. Đóng tàu vỏ thép, ngư dân được vay vốn tối đa 95% tổng giá trị chiếc tàu, thời hạn vay đến 16 năm, lãi suất 7%/năm; trong đó Nhà nước bù lãi 6%/năm, ngư dân chỉ trả 1%/năm. Sau khi tàu đưa vào hoạt động còn được hỗ trợ chi phí bảo hiểm rủi ro 90%, với thuyền viên 100%; được hỗ trợ 100% chi phí duy tu, bảo dưỡng định kỳ và chi phí đào tạo vận hành. Các chủ tàu còn được ngân hàng cho vay vốn lưu động đến 70% chi phí cho mỗi chuyến biển...

Theo Quyết định 47 của Chính phủ, ngư dân đóng mới tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép công suất 800 CV đến dưới 1.000 CV được hỗ trợ 35%, nhưng không quá 8 tỷ đồng; với tàu vỏ thép từ 1.000 CV trở lên được hỗ trợ không quá 9,8 tỷ đồng/tàu. Mức hỗ trợ đối với tàu khai thác vỏ thép, hay composit từ 800 CV đến dưới 1.000 CV là 35%, nhưng không quá 6,7 tỷ đồng; tàu 1.000 CV trở lên được hỗ trợ không quá 8 tỷ đồng/tàu. Đối với tàu khai thác vỏ gỗ từ 800 CV trở lên được hỗ trợ 15% tổng mức đầu tư, nhưng không quá 2 tỷ đồng/tàu.

Theo Sở NNPTNT, phấn đấu đến cuối năm 2017, tổng số tàu đánh bắt xa bờ từ 90 CV trở lên của toàn tỉnh khoảng 400 chiếc; trong đó tàu công suất trên 400 CV là 200 chiếc, tăng 48 chiếc so với năm trước. Các cấp, ngành đang tuyên truyền, vận động ngư dân đăng ký vay vốn đầu tư cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu đánh bắt xa bờ nhằm đạt kế hoạch. Hiện nay đã có khoảng 20 chiếc đang được cải hoán công suất lớn và hàng chục hộ đăng ký thủ tục vay vốn đóng mới tàu xa bờ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều