Chủ tịch WB Jim Yong Kim tại một hội nghị thường niên của IMF và WB ở Washington - Ảnh: Reuters |
Báo Financial Times dẫn thông tin từ báo cáo công bố ngày 21/2 của nhóm chuyên gia thuộc WB cho rằng sự trỗi dậy của thời đại mới ở Mỹ sẽ "phủ bóng" lên nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo của WB chỉ ra tình trạng mong manh của hoạt động thương mại - yếu tố được cho là "cỗ máy cái" của sự tăng trưởng toàn cầu - trong bối cảnh hiện nay.
Mặc dù tránh nhắc trực tiếp tên ông Trump, nhưng báo cáo nhấn mạnh về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và các nguy cơ trong việc rút khỏi những hiệp định thương mại, rõ ràng là những vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ đã và đang gấp rút triển khai.
WB cũng cho rằng việc chính quyền Washington ra sức kéo về Mỹ những chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ gây tổn hại cho các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sản xuất.
Thương mại toàn cầu trong 5 năm qua đã tăng trưởng ở mức thấp hơn các khuynh hướng tăng trưởng trong lịch sử. Năm 2016, tỉ lệ tăng trưởng thương mại toàn cầu là 1,9% - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009, tức một năm sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tăng trưởng thương mại giảm ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Theo nhóm nghiên cứu của WB, một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới và sự sụt giảm giá hàng hóa.
Tuy nhiên năm 2016 ghi nhận một thay đổi đáng kể nhất là sự bất ổn trong chính sách kinh tế. Theo các tính toán của WB, nếu tỉ lệ tăng trưởng thương mại toàn cầu giai đoạn 2015-2016 giảm 0,8% thì tình trạng bất ổn chính sách kinh tế phải "chịu trách nhiệm" tới 0,6% trong đó.
Nhóm nghiên cứu của WB đưa ra các số liệu tính toán căn cứ vào một nghiên cứu về mối quan hệ giữa thương mại và sự bất ổn của chính sách kinh tế tại 18 quốc gia trong 3 thập niên. Họ cho rằng ảnh hưởng của những bất ổn này sẽ còn tiếp tục trong năm 2017.
Trong khi đó, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ông David Lipton đã lên tiếng kêu gọi các nước châu Âu hợp tác trên tinh thần xây dựng với Tổng thống Donald Trump.
Lời kêu gọi được đưa ra ngày 21/2, trong bối cảnh bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF, sắp có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel để trao đổi về các vấn đề kinh tế trong đó có cả việc thảo luận những biện pháp đáp trả lại những thách thức của ông Donald Trump.
|
Ông David Lipton cho rằng các đối tác kinh tế của Mỹ cần xem xét một cách nghiêm túc những phàn nàn của ông Trump về một số điểm được cho là "không công bằng" của hệ thống thương mại thế giới.
Phó giám đốc điều hành IMF đã kêu gọi Đức - nước chủ tịch nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G-20) cần hành động để có thể gắn kết với Mỹ trên tình thần xây dựng và tìm cách giải quyết những vấn đề của hệ thống thương mại thế giới.
Ông Lipton cho rằng nhiệm vụ của IMF là thúc đẩy ổn định kinh tế và tăng trưởng thông qua cơ chế hợp tác. Ông kêu gọi sự thận trọng "chờ và xem" từ các lãnh đạo chính trị và kinh tế của châu Âu khi chính quyền của ông Trump ban bố các chính sách mới.
Trong suốt quá trình tranh cử cho đến lúc này, ông Trump vẫn tin rằng trật tự đa phương "đã bị lợi dụng bởi một số nước nào đó" và vai trò của nước Mỹ là "làm cho sân chơi trở nên bình đẳng và khôi phục lại sự cân bằng".
Ông Lipton cho rằng lời phàn nàn của ông Trump cũng có phần đúng ví dụ như vấn đề sở hữu trí tuệ, hay việc trợ giá giúp các công ty nhà nước trong hoạt động xuất khẩu của một số nước.
Ông cũng kêu gọi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) giải quyết tháo gỡ các vấn đề kinh tế của mình, trong đó bao gồm hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những khiếm khuyết của liên minh ngân hàng.
|
Theo Tuổi trẻ