Hiện nay, ngành y tế đã trưởng thành và nhanh chóng bắt kịp với các nước trong khu vực. Đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo bài bản và có hệ thống, được trang bị kiến thức hiện đại, cập nhật thông tin nhanh chóng, nhiều trang thiết bị, phương tiện phòng bệnh, chữa bệnh hiện đại phục vụ việc phòng chống dịch, chẩn đoán điều trị ngày càng đạt kết quả cao. Nhiều thành tựu y học rất đáng nể phục, như ghép tạng, nuôi cấy tế bào gốc, tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi, nghiên cứu sản xuất nhiều tân dược, đông dược mới. Đã hình thành một số trung tâm y tế chuyên sâu ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh... Bên cạnh hệ thống y tế Nhà nước, lại có hệ thống y dược tư nhân phát triển, các bệnh viện quốc tế với chất lượng dịch vụ kỹ thuật cao. Đội ngũ giáo sư, tiến sĩ được đào tạo trong, ngoài nước đông đảo hơn nhiều so với thời chúng tôi. Mạng lưới y tế khá hoàn chỉnh đến y tế thôn, bản, vùng sâu vùng xa. Phần lớn các trạm y tế xã, phường đã có bác sĩ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.  

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, mặt được cơ bản, nhìn lại vẫn thấy hoạt động y tế vẫn còn những hạn chế cần cố gắng vươn lên.Trước hết là tình trạng quá tải ở một số bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế... Hiện tượng nằm đôi, nằm ba người một giường vẫn còn phổ biến (hiện nay đã được cải thiện hơn), nhưng không có cách nào khác vì bệnh nhân muốn được chữa trị kịp thời. Tình trạng các phòng khám bệnh chật ních người chờ khám rất mất thời gian và mệt mỏi, rồi đợi nhận thuốc, làm thủ tục nhập viện, thanh toán bảo hiểm khi xuất viện... Chúng ta hoan nghênh và hy vọng kết quả triển khai đề án chống quá tải của Bộ Y tế bằng các bệnh viện vệ tinh, xây dựng mới thêm các cơ sở chữa bệnh, tăng cường cán bộ có trình độ và trang thiết bị kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở, xã hội hóa các hoạt động y tế ...

Lâu nay, bên cạnh sự phục vụ tận tình chu đáo cứu sống người bệnh rất đáng ngợi ca, nể phục cũng còn không ít các trường hợp đáng chê trách do tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, cách ứng xử vô cảm của một số nhân viên y tế, thậm chí gây tử vong cho người bệnh không đáng có, gây bức xúc trong dư luận. Điều mà người dân trông đợi nhất hiện nay là tăng sự hài lòng trong công tác khám chữa bệnh, trước hết là cách giao tiếp, thái độ ứng xử thân thiện, cải tiến hơn nữa các thủ tục hành chính để chống phiền hà. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, điều quan trọng trước tiên là phải cải thiện thái độ giao tiếp, thầy thuốc sẽ cúi chào bệnh nhân. Dư luận rất đồng tình hưởng ứng, trước hết là người bệnh.

Thái độ ứng xử, giao tiếp liên quan đến tình trạng quá tải của bệnh viện. Giảm quá tải thì người thầy thuốc có nhiều thời gian tiếp xúc với bệnh nhân hơn, khai thác bệnh sử kỹ càng, không có kiểu khám bệnh “siêu tốc”. Cải thiện thái độ phục vụ, thân thiện với người bệnh hơn là yếu tố tâm lý quan trọng làm dịu bớt nỗi đau của họ. Bác sĩ trực tiếp thăm khám người bệnh cần chú ý lắng nghe lời kể bệnh, biết cách ngắt lời đúng lúc, khéo léo bằng một câu hỏi khác. Cách thăm khám cần tỉ mỉ, thận trọng. Lâu nay phương pháp cổ điển truyền thống “nhìn, sờ, gõ, nghe” (vọng, văn, vấn, thiết của Đông y) bị lãng quên dần, thay vào đó là hàng loạt xét nghiệm máu, siêu âm, citi, M.R, X quang... nhưng vẫn có sai sót, nhầm lẫn trong chẩn đoán. Lựa chọn xét nghiệm phù hợp phục vụ chẩn đoán là hết sức cần thiết để tránh mất thời gian đi lại, chờ đợi, tốn kém thêm chi phí không thật cần thiết. Kinh nghiệm lâm sàng là rất đáng quí.

Vấn nạn “phong bì”, “hoa hồng” kê đơn thuốc đang được khắc phục. Y đức, y đạo, y thuật được giáo dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mong rằng trong thời gian tới với nhiều chủ trương thể hiện quyết tâm của ngành đang đồng bộ triển khai sẽ tạo được bộ mặt mới khởi sắc cho ngành y tế, đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân. Tất cả vì quyền lợi của người bệnh ! Một vài điều tâm sự của một người trong ngành đã nghỉ hưu, xin chia sẻ cùng đội ngũ cán bộ y tế đang hành nghề với mong ước: “Hậu sinh khả úy” !

BS. Nguyễn Cương