Bóng đá, suy cho cùng là cuộc chơi cần khán giả. Ảnh: Internet

Khoan bàn đến chuyện đúng - sai, cá nhân người viết đồ rằng, rất nhiều người khi nghe phát ngôn này không cho rằng vị lãnh đạo ngành thể thao “có vấn đề về tư tưởng” hay “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Bởi lẽ, người Huế yêu bóng đá ghê lắm, “ghê” đến mức “cho phép” bóng đá chiếm một phần rất quan trọng trong đời sống tinh thần của mình. Ở chiều ngược lại, các cầu thủ Huế - nhất là lứa cầu thủ cuối thập niên 70 và thập niên 90 thế kỷ trước cũng yêu và trân trọng khán giả vô cùng. Điều này thể hiện qua những hành động cụ thể trên sân cỏ, là cống hiến hết mình, là đá “chết bỏ” bất kể sân nhà hay sân khách, bất kể đối phương yếu hơn hay thực lực vượt trội.

Cầu thủ Huế thời đó luôn lấy lấy khán giả làm trung tâm, lấy những tiếng trống, tiếng kèn, tiếng vỗ tay cùng những âm thanh “Huế cố lên; Huế vô địch…” đến lạc cả giọng trên khán đài làm niềm vui sống, làm mục đích “chiến đấu” mỗi lần ra sân. Có lẽ, đó là cơ sở để vị lãnh đạo ngành thể thao “mạnh dạn” có phát ngôn trên.

Mà thời điểm ấy, Việt Nam chưa có bóng đá chuyên nghiệp. Tất nhiên, bóng đá Huế cũng vậy!

2 - Bóng đá Việt Nam khoác lên mình tấm áo chuyên nghiệp đã được 17 năm. Cũng trong khoảng thời gian ấy, cứ sau mỗi mùa bóng, qua dư luận, qua các phương tiện truyền thông và cả các nhà chuyên môn, điều được nhắc đến nhiều nhất là sự… thiếu chuyên nghiệp. Thiếu chuyên nghiệp từ công tác tổ chức, trọng tài cho đến thái độ, cách hành xử của HLV, cầu thủ trong và ngoài sân cỏ. Minh chứng gần nhất là bản án “siêu nguội” của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) dành cho Samson Hoàng Vũ - tiền đạo có hành vi đạp vào chân cầu thủ đối phương rất thô thiển nhưng lại chỉ bị Ban trọng tài cho là "chơi bóng liều lĩnh"; là câu chuyện Sông Lam Nghệ An viết đơn yêu cầu đình chỉ nhiệm vụ trọng tài Nguyễn Trung Kiên B; và đỉnh điểm là tấn “bi - hài kịch” trong trận đấu giữa TP. Hồ Chí Minh – Long An trên sân Thống Nhất ngày 19/2 mới đây.

VFF rồi đến VPF hết qua châu Âu lại về châu Á để học hỏi cách làm, cách tổ chức bóng đá chuyên nghiệp ở các nước có nền bóng đá phát triển. Và 17 năm, nói dài không dài nhưng chắc chắn, đủ thời gian để học hỏi và thực hiện cái sự lên chuyên (cứ nhìn người Thái hay Indo làm bóng đá chuyên nghiệp sẽ rõ). Vậy nhưng cho đến hiện tại, tấm áo chuyên nghiệp đề ra ban đầu dường như vẫn quá rộng, trong khi tính chuyên nghiệp của V-League không những không được nâng cao mà ngược lại, đang ngày càng teo tóp dưới cách suy nghĩ, hành xử của một số cầu thủ lẫn quan chức CLB, quan chức VFF lẫn VPF.

Hiện, rất nhiều cầu thủ không còn xem khán giả là trung tâm. Họ quên rằng, bóng đá suy cho cùng là một cuộc chơi cần khán giả, V-League lại càng cần hơn. Nếu như khán giả quay lưng thì giải đấu chẳng còn ý nghĩa gì! Tiếc là, không chỉ một số cầu thủ mà ngay cả VFF, VPF hình như cũng chưa “thông” điều này!

Hàn Đăng