Hiệu quả bước đầu
Quảng Thọ là xã có nhiều mô hình kinh tế điển hình, tuy nhiên khả năng nắm bắt và liên kết thị trường chưa tốt dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Trước thực tế đó, ông Phạm Lượng, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Nông dân huyện được điều động về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thọ. Ông cùng tập thể Đảng ủy và chính quyền địa phương tập trung họp bàn phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thương hiệu rau má Quảng Thọ, mở rộng khâu liên kết tiêu thụ.
Nông thôn mới ngày càng khởi sắc ở Quảng Thành
Từ chỗ chỉ phát triển rau má thông thường, địa phương đã mở rộng diện tích trồng rau má theo hướng an toàn. Thương hiệu rau má an toàn Quảng Thọ từ đó được nhiều người biết đến. Các sản phẩm trà rau má, rau má sấy khô, nước đóng chai…cũng lần lượt ra đời. Doanh thu trồng rau má cũng như giá cả dần ổn định.
Cùng thời điểm đó, ông Lê Ngọc Đức, nguyên Chánh văn phòng Huyện ủy cũng được điều động về giữ chức Chủ tịch UBND thị trấn Sịa rồi Bí thư Đảng ủy thị trấn. Thời gian ông giữ các vị trí lãnh đạo tại thị trấn Sịa, công tác xây dựng hạ tầng đô thị, thương mại dịch vụ có nhiều chuyển biến quan trọng. Trong đó phải kể đến việc địa phương mạnh dạn sử dụng nguồn ngân sách, kết hợp với nguồn xi măng hỗ trợ của huyện để bê tông nhiều tuyến đường giao thông. Ông cùng với tập thể triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền. Sau đó, ông Lê Ngọc Đức được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐND huyện và được Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá cao về năng lực.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Ngọc Đức cho hay: “Việc luân chuyển không chỉ tạo điều kiện thuận lợi giúp tôi bồi dưỡng, rèn luyện thử thách mà còn giúp bản thân xác định hướng phấn đấu nhằm hoàn thiện hơn kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý”. Không riêng gì ông Phạm Lượng hay ông Lê Ngọc Đức, thời gian qua, nhiều cán bộ huyện, xã, thị trấn ở Quảng Điền được luân chuyển qua nhiều vị trí đã thể hiện, phát huy năng lực trong chuyên môn, nghiệp vụ.
Chú trọng chất lượng
Để công tác luân chuyển, điều động cán bộ đạt hiệu quả cao, Huyện ủy Quảng Điền còn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong năm 2016, có 9 cán bộ được cử đi học cao cấp lý luận chính trị, 27 cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo quản lý; 14 cán bộ tham gia lớp trung cấp chính trị…Bên cạnh đó, huyện thường xuyên rà soát cử cán bộ đi học tập nâng cao trình độ; phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh…tổ chức các lớp đào tạo theo kế hoạch.
Ban Thường vụ Huyện ủy còn thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ theo phương châm “động” và “mở”. Sau khi xây dựng kế hoạch, rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, lựa chọn cán bộ trong diện quy hoạch, huyện tập trung xem xét trình độ, năng lực sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu từng vị trí công tác để xác định nơi luân chuyển, bố trí nơi công tác phù hợp… Mỗi lần điều động, luân chuyển đều tổ chức gặp mặt động viên, lắng nghe ý kiến của cán bộ được điều động, luân chuyển.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác luân chuyển cán bộ, ông Phan Cảnh Dư, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Điền cho biết: Trong công tác luân chuyển cán bộ, phải có sự thống nhất giữa cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan tham mưu với người được luân chuyển. Tùy theo từng vị trí và thời điểm mà lựa chọn đúng người. Ngoài ra, phải có quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ một cách khoa học, công tâm, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, có như thế công tác cán bộ mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.
Năm 2016, Huyện ủy Quảng Điền củng cố, kiện toàn các chức danh như: Chủ nhiệm UB kiểm tra, Trưởng ban Dân vận, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy... Bổ nhiệm mới 5 cán bộ, bổ nhiệm lại 5 cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện, biệt phái 4 cán bộ huyện về giữ chức Phó Chủ tịch UBND 3 xã và thị trấn... Qua quá trình thực hiện, công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở Quảng Điền đã tạo được những chuyển biến quan trọng trong nhận thức đối với cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện.
Hoàng Loan