Tàu thuyền phục vụ du lịch trên sông Mekong ở cố đô Luang Prabang, Lào. Khai thác bền vững sông Mekong sẽ có lợi cho tất cả các bên - Ảnh: Q.Trung |
|
Ngày 23/2 tại Luang Prabang (Lào), Ủy hội sông Mekong (MRC) lần đầu tiên tổ chức hội nghị tham vấn cấp khu vực giữa các bên liên quan về Nghiên cứu hội đồng (Council Study - CS) liên quan đến quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm những tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính con sông đi xuyên nhiều quốc gia này.
Các chuyên gia đánh giá đây là một nghiên cứu tốt và toàn diện nhưng vẫn cần phải cải thiện thêm, nhất là về cơ chế chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên.
Nghiên cứu toàn diện
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu - cho biết CS này ra đời sau quá trình tham vấn gay gắt giữa bốn nước thành viên Mekong (gồm Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia) xung quanh dự án đập thủy điện Xayaburi ở bắc Lào.
“Quá trình tham vấn kéo dài 6 tháng nhưng cuối cùng không ai đồng ý với ai cả. Tuy nhiên, sau đó mọi người đi đến một giải pháp dung hòa là cùng nhau xây dựng một CS” - TS Tứ, người tham gia tiến trình tham vấn đập Xayaburi, tiết lộ.
Sau đó, ở Hội nghị thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản lần 3 tại Bali, Indonesia tháng 11/2011, thủ tướng bốn nước thành viên Mekong đã chính thức nhất trí thành lập CS về quản lý và phát triển bền vững dòng sông Mekong.
Tại hội nghị ở Luang Prabang ngày 23/2, ông Suthy Heng, điều phối viên khu vực của MRC, đã giới thiệu về những điểm chính của CS cho tất cả các bên liên quan. Ông Suthy Heng cho biết CS tập trung phân tích các dự án phát triển trên lưu vực sông Mekong bao gồm thủy điện, tưới tiêu, nông lâm nghiệp, sử dụng đất, giao thông, sử dụng nước cho công nghiệp, chống lũ và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đánh giá tác động của các dự án phát triển đến môi trường, sinh kế, người dân và kinh tế.
Theo MRC, CS sẽ cung cấp nền tảng thông tin cần thiết cho các hoạt động quản lý và phát triển ở lưu vực sông Mekong, cũng như tạo điều kiện đối thoại chính trị giữa các thành viên sông Mekong với nhau và giữa các thành viên Mekong với các nước liên quan như Trung Quốc và Myanmar.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Anoulak Kittikhoun, trưởng phòng chiến lược và đối tác của Ban thư ký MRC, cho biết CS đã được sự nhất trí cấp chính phủ nên chắc chắn kết quả nghiên cứu sẽ được các bên xem xét kỹ lưỡng.
Phải bảo đảm tính khách quan
Ông Kittikhoun hi vọng nghiên cứu này sẽ cung cấp những đánh giá cập nhật nhất về các tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của các dự án phát triển lưu vực sông Mekong.
Theo đó, đối với những tác động tiêu cực, MRC sẽ kiến nghị các nước thành viên thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp, còn nếu là tác động tích cực thì MRC sẽ có những giải pháp thúc đẩy mang lợi ích cho tất cả.
“Một trong những điểm chính được nhấn mạnh trong CS là nếu không có những hoạt động phát triển trên lưu vực Mekong thì dòng Mekong cũng sẽ biến đổi theo thời gian, bởi vì tác động đối với Mekong không chỉ đến từ nước mà còn những nhân tố không liên quan đến nước như đô thị hóa, giao thông, dân số tăng và biến đổi khí hậu” - TS Kittikhoun lưu ý.
Trong phần thảo luận, ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên phó tổng thư ký MRC Việt Nam, cho biết mục đích của CS là tốt.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, nghiên cứu này cần có sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau như các tổ chức dân sự, xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học độc lập để có kết quả khách quan nhất về tất cả tác động của các dự án trên dòng sông Mekong.
Ông Quảng kiến nghị tại hội nghị rằng nhóm thực hiện CS cũng phải lường trước những kịch bản có thể xảy ra để có những giải pháp phù hợp:
“Giả sử nếu như kết quả nghiên cứu gây bất lợi cho một nước nào đó và khiến nước này phớt lờ thì cần phải có biện pháp gì? Ví dụ như khi Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Ủy hội sông Mekong (SEA) về các tác động của đập thủy điện được công bố, lúc đầu Lào không nói gì nhưng khi bắt đầu dự án Xayaburi, Lào nói đây chỉ là một đánh giá kỹ thuật”.
Ông Quảng cho biết thêm để nghiên cứu ra các kết quả tin cậy và khách quan, phải có quy chế yêu cầu các nước cung cấp đầy đủ số liệu, chia sẻ thông tin minh bạch.
Nghiên cứu hội đồng (CS) do một nhóm kỹ thuật cốt lõi bao gồm các chuyên gia quốc tế và khu vực thực hiện, đặt dưới sự giám sát của MRC. Kể từ khi bắt đầu, CS nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình của MRC và hỗ trợ tài chính từ các đối tác phát triển bao gồm: Úc, Phần Lan, Đức, Thụy Sĩ và Mỹ. |
Theo Tuổi trẻ