Ứng cử viên Emmanuel Macron phát biểu tại một diễn đàn ở Paris ngày 23/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận ngày 23/2, bà Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), với quan điểm tranh cử chống nhập cư và chống hội nhập châu Âu, vẫn luôn dẫn trong vòng 1 bầu cử (ngày 23/4) với tỷ lệ ủng hộ là 25-27,5%, tuy nhiên nếu lọt vào vòng 2 (ngày 7/5) bà đều thất bại trước 2 ứng viên tiềm năng Emmanuel Macron hoặc François Fillon. 

Cũng theo kết quả thăm dò do Ifop tiến hành trong 3 ngày qua và phản ứng dư luận sau khi hai ông Bayrou và Macron tuyên bố liên minh ngày 23/3, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Macron đã tăng 3,5 điểm lên 22,5% tại vòng 1, trong khi đó tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên đại diện cánh hữu, cựu Thủ tướng François Fillon là 20,5%. 

Kết quả cho thấy với sự ủng hộ của khoảng 5% cử tri Pháp, ông Bayrou đang tạo thời cơ thuận lợi cho ứng cử viên Macron trong cuộc bầu cử sắp tới. 

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đại diện đảng Xã hội - cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon, luôn đứng thứ 4 trong các cuộc thăm dò dư luận, cũng tăng nhẹ sau khi ứng viên đảng Xanh Yannick Jadot rút khỏi cuộc đua và ủng hộ ông Hamon. 

Mặc dù ông Jadot thường chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ rất khiêm tốn 1-2%, song đây cũng là tín hiệu tốt cho ứng cử viên Hamon khi mà ông này gần như đã thất bại trong việc kêu gọi lãnh đạo phong trào cực tả Nước Pháp bất khuất, Jean-Luc Mélenchon, luôn giành được 10% lá phiếu ủng hộ, liên minh để thêm cơ hội cho cánh tả. 

Kết quả trên cho thấy tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Macron đã tăng mạnh sau quyết định liên minh với ông Bayrou và đang trở thành ứng viên sáng giá trong bầu cử tổng thống Pháp sắp tới. 

Trong khi đó, những bê bối tài chính đang khiến uy tín của 2 đối thủ tiềm năng bà Le Pen và ông Fillon sụt giảm mạnh. 

Các diễn biến dồn dập trên chính trường Pháp thời gian qua báo hiệu một mùa bầu cử kịch tính, khó lường. Khó có thể dự đoán ai sẽ chiến thắng và mọi khả năng hiện đang để ngỏ./. 

Theo Vietnam+