Thuyền du lịch trên sông Hương. Ảnh: HK
Rời bến Tòa Khâm lúc 8 giờ sáng, thuyền chúng tôi chạy dọc sông Hương để lên đến điểm đầu tham quan lăng vua Minh Mạng mất chừng khoảng 3 tiếng đồng hồ. Cập bến thuyền, chúng tôi vào tham quan lăng Minh Mạng, sau đó về thuyền cùng ngồi ăn trưa. Thời tiết nắng đẹp, sông Hương êm dịu, bởi lượng khách du thuyền trên sông Hương không có nhiều.
Nhiều người thân của tôi đến từ Hà Nội tỏ ra hối tiếc: “Tại sao dòng sông Hương thơ mộng đến thế, hai bên bờ sông biết bao nhiêu là di tích như chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức, điện Hòn Chén, lăng Minh Mạng… nhưng lượng khách du thuyền sông Hương không nhiều? Chúng tôi đi du lịch đến đâu mà ở đó có dòng sông chảy trong lòng thành phố như Huế thế này thì người ta khai thác rất có hiệu quả. Nếu ai đó đến Singapore, Paris của Pháp, hay Ý thì không thể ngồi yên được mà phải lên thuyền đi dạo ngắm mà thôi”.
Quả thật là vậy, chúng tôi chọn thời điểm du thuyền là vào ngày thứ bảy, thời tiết tốt, song cả một đoạn đường rất dài thi thoảng chúng tôi chỉ bắt gặp một vài chiếc thuyền đơn lặng lẽ đi và trên đó chỉ có vài ba du khách (chủ yếu là khách nước ngoài). Ngay tại bến thuyền Minh Mạng, chỉ có thuyền chúng tôi và thêm một chiếc thuyền đơn khác với vài người khách, họ lên tham quan chóng vánh và quay trở lại đi luôn.
Quay trở lại câu chuyện du thuyền, chủ thuyền tên Phương nói: “Chúng em đóng chiếc thuyền này hơn tỷ đồng, song mới chỉ khai thác được ca Huế trên sông Hương về đêm mà thôi, còn việc người ta thuê thuyền đi du thuyền trên sông Hương không nhiều nên việc làm ăn của chúng em chưa được thuận lợi lắm”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, không phải chỉ có thuyền du lịch của Phương mà nhiều chủ thuyền khác cũng không khai thác có hiệu quả việc du thuyền trên sông Hương.
Tại sao du thuyền sông Hương chưa hấp dẫn du khách? Chúng tôi đã lắng nghe rất nhiều ý kiến từ phía du khách. Việc tổ chức du thuyền trên sông Hương như hiện nay chưa bài bản, chỉ là hợp đồng miệng giữa du khách và chủ thuyền nên các chuyến đi chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”, một chuyến đi rất bình thường, người ta lên thuyền để đi rồi về và chưa để lại một dấu ấn quan trọng nào. Vấn đề thu hút du khách ắt hẳn phải có bàn tay bài bản của các nhà quản lý, nhà tổ chức để mỗi khi du khách lên thuyền khám phá sông Hương, hay cảnh quan bên bờ sông Hương phải được nghe người hướng dẫn nói về nguồn gốc của sông Hương, nói về địa danh hai bờ dọc sông Hương… rồi được thưởng thức ca Huế, được ăn những món ăn của Huế… Có như thế, du khách mới háo hức lên thuyền đi để trải nghiệm.
Đã đến lúc những nhà làm du lịch ở Huế nghiên cứu lại mô hình du thuyền trên sông Hương sao cho hiệu quả hơn. Điều này vừa làm tôn vinh những giá trị tiêu biểu của dòng sông Hương, của những di sản, làng mạc nằm dọc 2 bờ sông Hương; đồng thời, tạo nên một tour, tuyến mới giúp du khách khám phá, trải nghiệm. Nếu làm tốt được du thuyền trên sông Hương, sẽ không chỉ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân Huế, tăng thu cho ngành du lịch mà còn níu giữ chân du khách ở lại với Huế.
Khôi Nguyên