Họ là 7 chị em ruột, trong đó 6 chị em gái và 1 người em trai. Sau khi cha mất sớm, những người chị lớn phải chìa vai san sẻ với mẹ gánh mưu sinh để nuôi cả gia đình, nuôi các em. Đến lúc trưởng thành, mỗi người lần lượt lập gia đình riêng. Mẹ già ở cùng vợ chồng đứa con trai. Vào các ngày lễ, tết và giỗ cha, các chị, em đưa gia đình nhỏ của mình về quây quần sum họp trong gia đình lớn, bên mẹ, bà.

Cuộc sống cứ thế trôi qua êm đềm, ấm áp. Thế mà vào năm 2009 (chỉ sau khi mẹ mất 3 năm, không để lại di chúc), 7 chị em ruột ấy trở thành nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế do TAND TP. Huế thụ lý, giải quyết. Một người chị gái đứng đơn, những chị em gái còn lại cùng chung ý kiến với chị này, yêu cầu chia tài sản của mẹ là thửa đất trị giá gần 5 tỉ đồng. Người em trai là bị đơn. Trước đó, chị em ở nhà “cãi qua cãi lại” gay gắt, nhưng không phân “thắng, bại”. Mấy người chị yêu cầu được chia phần của mình. Em trai cho rằng, lúc còn sống, mẹ đã cho các chị một số tài sản, coi như mẹ đã “chia phần”. Đất đai hiện ông đang quản lý sử dụng, phải là của ông, không chia cho ai cả.

Một bên cố đòi, bên kia cố giữ. Chị em to tiếng nặng lời, mạt sát nhau, thậm chí chẳng nhìn mặt nhau. Thế là đâm đơn khởi kiện ra tòa. Do vụ tranh chấp khá phức tạp nên việc giải quyết kéo dài. Cuối năm 2016, TAND TP.Huế, sau “một loạt’ các phiên hòa giải, đã đưa vụ án ra xét xử.

Ngày mở phiên tòa, “hai bên” đến rất sớm, ngồi chờ ngoài hành lang. Hai dãy hành lang ấy cách nhau không xa mà chẳng bên nào nhìn bên nào. Đáng buồn hơn, bị đơn đã qua đời, không chờ được đến lúc ra trước tòa nghe hội đồng phân xử. Chỉ có vợ con ông là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn.

Căn cứ quy định của pháp luật, hội đồng xét xử đã quyết định chia di sản nêu trên của người mẹ (không để lại di chúc) cho cả 7 chị em (thuộc hàng thừa kế thứ nhất). Bị đơn đã qua đời nên phần của ông được giao cho vợ và con.

Phiên tòa kết thúc, người vui, kẻ hậm hực. Bà Lê Thị Phương Dung, thẩm phán chủ tọa phiên tòa hôm ấy tâm sự, đối với xã hội nói chung và với những người làm công tác xét xử, xảy ra bất cứ vụ án nào cũng là điều đáng buồn. Và  thật đáng buồn khi trong các vụ tranh chấp thừa kế, tình ruột thịt lại “nhẹ” hơn tài sản. Vì đất đai nhà cửa mà anh em ruột thịt... sẵn sàng cắt đứt tình máu mủ, “nồi da xáo thịt”.

Trên thực tế, không ít vụ án giết người hay cố ý gây thương tích hệ lụy rất đau lòng, nguyên nhân bắt đầu từ việc ruột thịt tranh chấp đất đai, tài sản.

Vậy nên, để tránh “mầm họa” như nêu trên, trong mỗi gia đình, đối với con cháu, ông, bà, cha, mẹ phải có trách nhiệm giáo dục vun đắp về tình cảm ruột thịt, lòng yêu thương, biết nhường nhịn, sẻ chia...

Quỳnh Anh