Ông Hồng (giữa) chờ ngày xuống vụ nghề mới

Đầu tháng 3 mới bắt đầu vào vụ nghề lưới nổi, nhưng gia đình ngư dân Nguyễn Hữu Hồng ở thôn Phương Diên, xã Phú Diên (Phú Vang) đã sẵn sàng ngư lưới cụ cho vụ đánh bắt. Theo nghề từ nhỏ, nay đã 65 tuổi, nhưng ông Hồng cũng chỉ đủ khả năng mua lưới vây trong vòng 100 sải tay, mỗi ngày đánh bắt được khoảng 30kg các loại cá khoai, cá nục…; trừ chi phí, tiền lãi chỉ đủ trang trải cuộc sống thường nhật. Từ lâu, ông Hồng vẫn ước mơ chuyển sang làm nghề lưới rê để đánh bắt được những loại hải sản có giá trị kinh tế hơn như mực, cá chuồn… Tuy năm 2016, gia đình ông phải đối diện với khó khăn do sự cố môi trường biển, nhưng nhận được 45 triệu đồng tiền đền bù, ông quyết định vay mượn thêm 15 triệu đồng để mua lưới rê và ngư cụ để chuyển sang làm thí điểm nghề lưới nổi. Chỉ tay về kho lưới rê đang chờ ngày xuống nước, ông Hồng phấn khởi: “Cực khổ thì cũng qua rồi, giờ có cơ hội chuyển đổi nghề qua nghề lưới rê, hy vọng chúng tôi sẽ thu hoạch được những mẻ cá lớn với các loại cá có giá trị kinh tế cao…”.

Ông Phan Hữu Mơi ở cùng xã làm nghề đánh bắt tầng nổi nhiều năm bằng 2 chiếc tàu có công suất dưới 50CV. Sau khi nhận được 75 triệu đồng tiền bồi thường đợt 1, ông đầu tư toàn bộ cho việc tu sửa thuyền để nâng cao chất lượng đánh bắt. Hầu hết ngư dân ở xã Phú Diên, bạn thuyền của chủ tàu đánh bắt gần bờ, sau khi nhận được tiền đền bù, nhiều người tự nguyện góp vốn cùng chủ tàu sửa chữa tàu, nâng cấp ngư cụ, mua sắm lưới rê và thiết bị, cộng với chi phí xăng dầu chuẩn bị cho các chuyến biển mới.

Trước khi tiến hành chi trả tiền đền bù cho ngư dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, lãnh đạo huyện Phú Vang chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để bà con sử dụng tiền đền bù đúng mục đích để khôi phục sản xuất, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; giải thích cặn kẽ về những tác hại của việc khai thác tầng đáy, không chỉ ảnh hưởng môi trường biển mà còn mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Nhờ đó, nhiều ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, nhất là những người làm nghề tầng đáy đa số đã chuyển sang làm tầng nổi.

Ông Trần Nghĩa, ở thị trấn Thuận An cho biết, trước đây đi dã cào, trừ chi phí cả gia đình ông thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/tháng. Nhận được hơn 100 triệu đồng đền bù, ông đầu tư gần hết số tiền mua vàng câu để chuyển sang nghề câu rê, những chuyến biển đầu tiên đã cho nhiều sản phẩm có giá trị cao, thu nhập gia đình ông tăng gần gấp đôi. Tương tự, những hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Phú Vang cũng sử dụng tiền đền bù để cải hoán tàu, nâng cấp công suất máy và hầm cấp đông… mạnh dạn vươn khơi xa, hiệu quả thu mua nâng cao rõ rệt.

Riêng 73 hộ dân nuôi cá lồng ở thị trấn Thuận An, nhờ có tiền đền bù đã đồng loạt mở rộng diện tích lồng nuôi đảm bảo quy cách phù hợp với mật độ cá theo hướng dẫn của Chi cục Thủy sản tỉnh để tránh dịch bệnh, rủi ro. Tại xã Phú Thuận, người dân đa số là chủ tàu, ghe gọ, lao động biển, chế biến sản xuất nước mắm....Với số tiền được nhận đợt 1 hơn 13 tỷ đồng (người nhiều nhất là 112 triệu đồng, thấp nhất là 8,73 triệu đồng), nhận thức được ý nghĩa của việc tái tạo sản xuất, bà con đã lên kế hoạch để đầu tư, tái sản xuất . Một số người gửi tiết kiệm khi chưa có kế hoạch mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất.

Ông Lê Văn Diệp, chủ ghe máy có công xuất 15,5CV hồ hởi: “Gần 1 năm trời lao đao, đến khi được nhận 32 triệu đồng tiền đền bù, gia đình tôi mua thêm lưới để bủa nhiều hơn và sâu hơn”. Từ 10 tay lưới, đến nay ông Diệp đã phát triển vàng lưới của mình lên 20 tay lưới và khai thác xa hơn. Bà Trần Thị Thúy, làm nghề chế biến nước mắm đã tranh thủ tiền đền bù để mua sắm thêm lu, vại và nhiều dụng cụ chế biến nước mắm để tăng năng xuất sản xuất nước mắm trong năm 2017.

Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang nói: “Đến nay, tình hình khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản ở địa phương đang trên đà ổn định trở lại. Mọi công tác chuẩn bị chi trả đợt 2 đã sẵn sàng; huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giám sát chặt chẽ để ngư dân sử dụng tiền đền bù đúng mục đích, hiệu quả”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN