Du khách Nhật Bản luôn là thị trường tiềm năng của du lịch Huế

Không dễ có lần thứ hai

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu sẽ đến thăm Việt Nam từ 28/2 – 5/3; trong đó, dự kiến đoàn sẽ đến thăm Cố đô Huế từ ngày 3-5/3. Đây là lần đầu tiên Nhà vua Nhật Bản sang thăm Việt Nam nói chung và Huế nói riêng, vì thế chuyến thăm được sự quan tâm và theo dõi đặc biệt của Nhân dân cả hai quốc gia.

Ông Lê Hữu Minh nhận định, không nhiều quốc gia mà Nhà vua Nhật Bản đến thăm. Ngành du lịch xác định chuyến thăm này chính là cơ hội không thể tốt hơn trong việc quảng bá du lịch Huế đến với người dân Nhật Bản. Thông tin ban đầu, đi cùng với Nhật hoàng có khoảng 100 phóng viên của các hãng truyền thông, thông tấn báo chí của Nhật Bản và quốc tế. Lâu nay, việc quảng bá du lịch Huế ở Nhật Bản vẫn được thực hiện. Khách quan đánh giá, dù đã triển khai nhiều hình thức quảng bá, song về mức độ lan tỏa vẫn chưa thể đưa hình ảnh Huế đến được với tất cả người dân Nhật Bản. “Điều có thể chắc chắn là khi Nhật hoàng sang thăm, giới truyền thông sẽ quay phim, chụp ảnh, làm những phóng sự… sẽ có lồng ghép những hình ảnh về Huế. Sau đó, những hình ảnh này được phát trên các sóng truyền hình, báo đài thì tất cả mọi người dân Nhật Bản sẽ biết về Huế. Vì thế, công tác chuẩn bị được ngành du lịch thực hiện rất kỹ lưỡng. Đây là cơ hội mà dù có bao nhiêu kinh phí cũng khó có thể làm được”, ông Minh chia sẻ.

Nhật Bản là thị trường khách truyền thống và được đẩy mạnh khai thác trong những năm tiếp theo

Đi theo đoàn là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản; trong đó, không ít doanh nghiệp đang kinh doanh ở lĩnh vực du lịch. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, đây là thời cơ để du lịch Huế giới thiệu tiềm năng, chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Những ngày đón tiếp Nhật hoàng, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức không gian trưng bày và giới thiệu một số sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh ở Huế; qua đó, chứng minh cho các nhà đầu tư Nhật Bản rằng, Huế là vùng đất đầy hứa hẹn để đầu tư, nhất là lĩnh vực du lịch.

Nhân chuyến thăm mang tính lịch sử của Nhật hoàng đến Huế, ngành du lịch còn tăng cường quảng bá bằng những hình ảnh trực quan, thể hiện Huế có nhiều nét tương đồng về văn hóa, cảnh quan, có bề dày lịch sử, một thành phố xanh, thiên nhiên trong lành như ở đất nước Nhật Bản. Sở Du lịch cho biết, bên cạnh việc quảng bá, ngành sẽ tiến hành chụp hình, quay lại những điểm du lịch mà Nhật hoàng đến tham quan, xem Nhã nhạc cung đình… đó là những tư liệu giá trị phục vụ cho công tác quảng bá sau này, không chỉ ở đất nước Nhật Bản mà cả các quốc gia khác.

Hình thành không gian Huế

Để có thể giới thiệu những gì được xem là đặc trưng của Huế đến với Nhật hoàng và đoàn công tác, một không gian đậm chất Huế được hình thành ngay tại nơi lưu trú của đoàn. Tại đó, bên cạnh những bộ trang phục áo dài đậm chất cung đình là những gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, như làm nón, hoa giấy Thanh Tiên, làm diều, thêu… Tại các gian hàng, thành viên của đoàn có thể trực tiếp làm ra các sản phẩm với các nghệ nhân nổi tiếng của Huế.

Nghệ nhân diều Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, được tham gia trình diễn, giới thiệu nghề đến Nhà vua Nhật Bản là niềm vinh dự. Để thể hiện được những tinh túy của nghề làm diều ở Huế, câu lạc bộ diều Huế sẽ giới thiệu những con diều mang nét đặc trưng cung đình, như diều long, lân, phụng và những con diều có họa tiết đặc sắc khác.

Khu vực thứ hai là các gian hàng giới thiệu hình ảnh điểm đến du lịch Huế bằng các ấn phẩm, video trình chiếu, kết hợp giới thiệu các tour tuyến hấp dẫn ở Huế. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, du khách Nhật rất chuộng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng gắn với khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Tại không gian quảng bá, du lịch Huế sẽ chú trọng giới thiệu những sản phẩm đáp ứng nhu cầu này.

Ngoài không gian giới thiệu Huế ngay tại khu vực lưu trú của Nhật hoàng, tại các điểm di tích, nơi dự kiến sẽ đón Nhật hoàng đến tham quan cũng đã sẵn sàng. Trung tâm sẽ tận dụng cơ hội này để đưa hình ảnh di tích Huế đến với người dân Nhật Bản. Bước khởi động là tổ chức triển lãm “Giao thương Nhật - Việt trong lịch sử” tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, thể hiện mối quan hệ giữa hai đất nước đã có từ lâu.

Nhật Bản là thị trường khách truyền thống của du lịch Huế, có mức chi tiêu lớn. Đây cũng là thị trường được xác định sẽ đẩy mạnh trong thời gian đến. Nhân chuyến thăm của Nhật hoàng, hy vọng không chỉ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai quốc gia nói chung và Huế với một số địa phương ở Nhật Bản nói riêng mà còn có thể giới thiệu Huế đến với du khách Nhật Bản được sâu rộng hơn.

ĐỨC QUANG