Trạm trộn bê tông nhựa nóng thải khói bụi được đặt ngay trong khu dân cư

Theo phản ánh của người dân, mỗi lần trạm trộn bê tông nhựa nóng này sản xuất, khói bụi bay nghi ngút, vào tận nhà khiến họ phải đóng kín cửa, di chuyển đi nơi khác, lá cây xung quanh khu vực chuyển màu. Ông L.Q.P, người dân khẳng định: “Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay."

Thời điểm chúng tôi đến, trạm đang trong quá trình sản xuất, không có rào, bạt che chắn. Khói từ ống xả bay mù cả một khu vực, khói theo gió “xộc” thẳng vào nhà dân, tạo ra những lớp bụi dày trên hiên nhà. Những ngôi nhà xung quanh trạm đều đóng kín cửa, không một bóng người “Cứ nghe tiếng ồn từ trạm, tui phải đóng kín cửa. Nếu không bụi sẽ phủ toàn bộ nhà. Đến khi họ ngừng sản xuất, phải lấy chổi quét từng lớp bụi dày ở hiên, rồi xịt nước mới sạch được”, một hộ dân tại đây phản ánh.

Để sản xuất nhựa đường, ngoài vật liệu là đá, cát phải sử dụng nhựa và các chất phụ gia, đốt nóng hỗn hợp đông kết, tạo ra khói bụi độc hại xả thẳng ra môi trường bên ngoài. “Không phải là không có giải pháp hạn chế ảnh môi trường, nếu họ chuyển trạm này cách xa vị trí hiện tại chừng 200m, khói bụi sẽ bay thẳng lên rừng. Đằng này, địa điểm đặt trạm ngay tại khu dân cư nên khói cứ bay vào nhà dân. Sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông P. nói.

Người dân phải dùng chổi quét lớp bụi dày bay vào nhà

Tổ 1, thôn Bạch Thạch có 55 hộ dân, trong đó các hộ dân ở hướng tây và đông bị ảnh hưởng khói bụi trọng tâm. Khi trời trở gió, bán kính khói bụi tỏa đến 2 cây số. Để ứng phó, người dân chỉ còn cách đóng kín nhà và bỏ đi nơi khác”, ông Trương Văn Minh, tổ trưởng tổ 1, thôn Bạch Thạch cho biết.

Ông Phạm Văn Hải, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng giao thông Số 1 kiêm phụ trách trạm trộn bê tông nhựa nóng đóng tại thôn Bạch Thạch cho biết, trạm này hoạt động từ năm 2008, phục vụ các công trình ở cảng Chân Mây và các đường nội tỉnh. Theo thống kê của trạm, một năm sản xuất gần 9.000 tấn nhựa đường, diễn ra trong vòng 20-30 ngày; ngoài ra, còn tùy thuộc vào các công trình, đơn hàng để sản xuất.

Ông Hải cũng cho hay, một năm cơ quan chức năng tiến hành quan trắc môi trường trạm hai lần. Trong quá trình vận hành không tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân và mong được thông cảm. Hiện công ty đã lên kế hoạch làm thủ tục thuê đất để chuyển đến một địa điểm khác, xa khu dân cư, tránh ảnh hưởng đến người dân. Nhưng thời gian chính xác thì chưa rõ.

Ông Hoàng Sa, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền cho biết, xã chưa nghe phản ánh nào về chuyện ô nhiễm của trạm trộn bê tông nhựa nóng này. Cho dù người dân phản ánh hay qua kênh thông tin báo chí, lãnh đạo địa phương sẽ có buổi làm việc trực tiếp với xí nghiệp để xem mức độ ảnh hưởng, từ đó kiến nghị các cấp liên quan phối hợp kiểm tra xử lý.

Đánh giá ảnh hưởng tác động môi trường, ông Sa nói rằng cấp xã không đủ chuyên môn. Trừ khi có phản ánh sẽ kiến nghị các phòng ban chuyên môn ở trên về đánh giá. Ông Phan Văn Trọng, Trưởng phòng Tài Nguyên Môi trường huyện Phú Lộc cũng thừa nhận: “Chưa nghe người dân ý kiến, thông tin gì. Chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền địa phương và đơn vị có liên quan để có hướng xử lý, nếu trạm trộn bê tông hoạt động ảnh hưởng đến môi trưởng, đời sống người dân”.

Lê Thọ - Phan Thành