Một tiệm cầm đồ trên đường Phan Bội Châu
Gần đây, quan sát trên nhiều tuyến đường ở Huế, thấy dịch vụ cầm đồ có vẻ nở rộ. Chỉ trên một đoạn đường ngắn là Phan Bội Châu ở khu vực phường Trường An đã thấy cả chục điểm làm dịch vụ này. Riêng tài sản cầm cố là xe gắn máy, phần lớn các điểm này cũng gần như “chật quán”. Đây chỉ là bề nổi mà người ngoài nhìn vào dễ dàng nhận thấy, còn thực tế, chắc các loại tài sản cầm cố khác còn phong phú hơn. Theo qui định của pháp luật, khái niệm tài sản cầm cố là những tài sản có giá trị, đảm bảo cho bên cầm đồ thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Nhìn về mặt thị trường, có thể dễ dàng nhận thấy, nhu cầu của dịch vụ này là khá cao. Đã có cầu thì ắt có cung. Ở một khía cạnh nào đó, kênh cung cấp “vốn” này là cần thiết cho xã hội, bởi tính “linh hoạt” , dễ dàng tiếp cận, đáp ứng được nhu cầu những người cần “vốn”, cần một món tiền nào đó một cách nhanh chóng nếu đủ điều kiện tài sản cầm cố đảm bảo.
Bên cạnh những tiện lợi như vậy, kênh cung ứng tiền này có thể có những tác động không tốt đến xã hội. Thử nhìn vài góc độ:
Trước tiên là người cần tiền phải sử dụng một đồng tiền (vay mượn) quá đắt đỏ. Với mặt bằng lãi suất hiện tại, lãi suất của dịch vụ cầm đồ có thể cao gấp nhiều lần. Một cửa hàng dịch vụ cầm đồ trưng biển “vay 1 triệu đồng, lãi suất chỉ 900 đồng/ ngày”, thoáng qua cứ tưởng là rẻ. Nhưng nếu nhẩm tính thì đã mấy chục phần trăm một năm.
Trên một tờ báo chuyên ngành kinh tế, khi Bộ luật Dân sự năm 2015 qui định lãi suất giới hạn cho vay không quá 20% năm, một chuyên gia kinh tế đã “kêu trời”, hàm ý, qui định như thế có khác gì hợp thức hóa cho vay nặng lãi. Hiện tại, lãi vay ngắn hạn khoảng 7 – 8%, doanh nghiệp có “lý lịch” vay và tài chính tốt có thể rẻ hơn, khoảng 5%, mới thấy cho vay dịch vụ cầm đồ lãi suất cao như thế nào.
Thế thì kênh cung tiền này giúp ích được gì nền kinh tế ?
Theo người viết, nguồn cung tiền này chỉ giúp ích được cho những cá nhân thiếu tiền cho một nhu cầu nào đó trong một thời gian ngắn, còn nó có thể gây ra những tác hại cho xã hội. Đó là những gì có thể phát sinh từ việc sử dụng đồng tiền quá đắt đỏ. Xét ở khía cạnh kinh tế, bất cứ một nền kinh tế nào hoạt động tốt đều nhờ sự quay vòng tiền tệ tốt với giá rẻ. Mà ngân hàng là hệ thống trung gian. Tiền giá rẻ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tăng thêm sức cạnh tranh.
Tiền ở các dịch vụ cầm đồ, suy cho cùng cũng đưa vào lưu thông, nghĩa là nó phải đến khu vực dịch vụ hoặc sản xuất. Nhưng với lãi suất cao như vậy, khó có bất cứ (hoặc rất ít) một nhà kinh doanh hoặc một nhà sản xuất nào dám vay. Thế thì đồng tiền này chảy vào đâu?
Như đã phân tích, có thể phần lớn nó chảy vào chi tiêu cá nhân. Xét về nhiều lẽ, đây là một kênh “cung tiền” không tốt, vì nó khó mà thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nếu như đồng tiền này phục vụ cho những nhu cầu không tốt của người vay, chẳng hạn như cờ bạc, thì nó còn có những tác động không lành mạnh đến xã hội.
Về mặt quản lý, mặc dù dịch vụ này được pháp luật cho phép hoạt động và có nhiều văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh, song để quản cho tốt dịch vụ này thì không hề dễ dàng. Ví dụ như quy định giữa người làm dịch vụ cầm đồ và người cầm đồ giao dịch phải thông qua hợp đồng và một số điều kiện khác, mục đích là để dễ dàng quản lý và giải quyết những vấn đề phát sinh. Song trong thực tế, chưa hẳn cửa hàng dịch vụ cầm đồ nào cũng thực hiện đúng như vậy. Vì có nhiều tài sản cầm cố khó mà kiểm tra giám sát nếu giữa người làm dịch vụ và người cầm cố tài sản cố tình không làm hợp đồng. Chính vì vậy, nó cũng có thể là những nơi tiêu thụ hàng phi pháp mà không dễ gì ngành chức năng phát hiện được.
Luật gia Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh: "Cầm đồ chỉ là biện pháp bảo đảm hợp đồng dân sự"
Trước đây, Thông tư liên bộ của Ngân hàng Nhà nước-Thương mại quy định, lãi suất cầm đồ tối đa không quá 4,2%/tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay "nóng" ngắn hạn dưới 15 ngày, lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, thông tư này đã hết hiệu lực và luật riêng chưa ban hành nên hoạt động cầm đồ đang được áp dụng theo bộ luật chung là Bộ luật Dân sự. Theo đó, lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo quy định của điều 468. Dù thế, vẫn khó có cơ sở để đánh giá các cơ sở cầm đồ có vượt trần lãi suất hay không, khi các hoạt động giao dịch của họ với khách hàng chủ yếu vẫn là thỏa thuận. Việc quản lý cầm đồ về mặt Nhà nước không dễ, bởi chỉ có những cơ quan như thuế, quản lý thị trường mới có quyền kiểm tra các hoạt động liên quan. Cơ quan công an thường chỉ kiểm tra khi có các sự vụ, sự việc xảy ra hoặc cùng phối hợp kiểm tra liên ngành, hơn nữa, hoạt động cầm đồ khá nhỏ, lẻ nên cơ quan quản lý Nhà nước khó quán xuyến cũng như tổ chức thường xuyên việc thanh, kiểm tra. Đây cũng chính là kẻ hở để hoạt động này phát triển. Dịch vụ cầm đồ cơ bản hoạt động theo nguyên tắc thỏa thuận giữa chủ tiệm cầm đồ với người đi cầm đồ nên pháp luật khó can thiệp. Lý do nó có đất sống bởi đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi cần tiền, người ta đem tài sản đến cầm cố, chỉ trong vòng 15 đến 30 phút sau là có tiền. Trong khi đó, nếu vay ở ngân hàng buộc phải có hợp đồng, dù nhanh thế nào cũng mất một vài ngày. Đó là chưa kể, khá nhiều loại tài sản đảm bảo như điện thoại, máy tính, xe máy… không được ngân hàng dùng làm vật thế chấp, đảm bảo, do đó, dịch vụ cầm đồ là lựa chọn số một cho những người cần tiền gấp, không có tài sản thế chấp, không có cơ quan xác nhận để tín chấp và thậm chí là đã từng “lọt vào sổ đen” của ngân hàng do nợ quá hạn và tất nhiên, họ chấp nhận lãi cao, thậm chí bỏ luôn tài sản khi lãi vượt mức chi trả. Trên thực tế, đa số chủ các cơ sở cầm đồ thường bán tài sản của người cầm cố khi hết hạn trả lãi, gốc mà người cầm không đến trả. Đây là việc làm bất hợp pháp, thế nhưng hầu như chưa có trường hợp người cầm cố tài sản khởi kiện chủ các tiệm cầm đồ. TÂM HUỆ (ghi) Thượng tá Trương Thế Vũ, Phó Trưởng Công an TP. Huế: “Sẽ siết chặt quản lý với các tiệm cầm đồ”
Trên địa bàn TP. Huế hiện có khoảng 180 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ được cấp phép hoạt động với gần 260 người tham gia hành nghề. Từ đầu năm 2016 đến nay, công an đã tổ chức 140 lượt kiểm tra, phát hiện 15 cơ sở sai phạm, xử phạt 40 triệu đồng. Thời gian gần đây, nhiều vụ án liên quan đến trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn TP. Huế có sự che đậy, tiếp tay và không tố giác tội phạm của một số chủ tiệm cầm đồ. Thông thường, sau khi trộm cắp được tài sản, các đối tượng thường tìm đến các tiệm cầm đồ cầm cố với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thật của tài sản, sau đó “cao chạy xa bay”. Mặc dù các chủ tiệm cầm đồ biết tài sản đang cầm cố hoặc giao dịch mua bán không rõ nguồn gốc nhưng vì lợi nhuận cao nên vẫn cố tình thực hiện. Khi phát hiện đồ gian, cơ quan công an sẽ tịch thu tài sản đó. Nhằm siết chặt quản lý các tiệm cầm đồ, thời gian tới Công an TP. Huế chỉ đạo Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội phối hợp với công an các phường tổ chức kiểm tra, rà soát, lập danh sách các cơ sở cầm đồ có biểu hiện phức tạp, thường vi phạm các lỗi về cầm hàng không có nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm và xử lý nghiêm các vi phạm. THÁI BÌNH (ghi) |
Bài: LÊ NGUYỄN - Ảnh: THÁI BÌNH