Vùng gò đồi của Hương Thuỷ có nhiều loại lá bốn mùa xanh tươi có thể thu hái, phơi khô để nấu nước uống tốt cho sức khoẻ đã được nhiều thế hệ biết đến, tin dùng. Với kinh nghiệm “xưa bày nay làm”, các loại lá ấy đã được người làng hái về, sơ chế để thành một loại nước thơm ngon, giải nhiệt cho người bình thường và dùng cho phụ nữ trong thời ở cữ. Không riêng người dân Thuỷ Phương biết lên đồi hái lá uống bởi hầu hết người dân ở các vùng gò đồi đều rất quen với công việc này. Tuy nhiên, nói đến chuyện hái lá để bán, phục vụ người có nhu cầu xa gần thì đích thị chỉ có người Dạ Lê của Thuỷ Phương.  

Bà Chanh ngồi bó lá bướm bạc

Dân gian đã quen “Dạ Lê than, củi, chủi, lá...” là để nói đến những công việc mà người dân của Thuỷ Phương, trong đó chiếm phần nhiều là người làng Dạ Lê, lên đồi, lên rừng kiếm củi, kiếm than, kiếm chổi, lá... để thêm thu nhập trong ngày nông nhàn. Lá gì có lợi cho sức khoẻ đều được bà con tận dụng hết. Như mắm nêm, nhân trần, chó đẻ, bướm bạc, hà thủ ô, bò bò, choài choại, ngấy… Những loại cây này phát triển tự nhiên như lộc trời cho người làng. Theo anh Trương Công Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Thuỷ Phương, chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng số người làng làm nghề hái lá cũng tương đối nhiều, góp phần tạo thu nhập đáng kể cho bà con.

Những năm trở lại đây, càng ngày càng có nhiều người chuộng nước lá tự nhiên nên nghề hái là của người làng cũng cứ thế đều đều tiến. Thời gian đầu là đồi gần, sau rồi đồi xa. Nay, để một ngày có được một gánh “hòm hòm” đem về cũng đã vất vả lắm. Tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hoa để nghe chuyện hái lá của người làng. Ông Hoa đi kiếm lá từ sáng sớm, nhà chỉ còn người vợ là Nguyễn Thị Chanh đang bận rộn với công việc bó lá.
 
Bà Chanh làm quen với nghề hái lá từ ngày theo chồng. Bố mẹ chồng bà đã làm nghề này từ lâu “Làm cũng đều nhưng không năng vì còn làm ruộng. Sau ni già rồi, ruộng cũng ít lại thì mới làm nhiều. Tính ra, một ngày cũng được khoảng 200 ngàn tiền lá. Nhưng trừ tiền xăng xe đi lại, ăn uống, thời gian phơi, ra bó, mua lạt buộc... còn lại không mấy. Đủ 2 vợ chồng nuôi nhau”, bà Chanh nói. Ngày trước còn khoẻ, vợ chồng bà Chanh thường đi hái lá theo chuyến, mỗi chuyến 15-20 ngày, đầy một xe Huyn-dai là về. Vì “làm ăn lớn” như thế nên có khi ăn dầm ở dề trên vùng núi của Hương Trà, Phong Điền “no lá” mới về. Gặp vùng nhiều lá, còn kết hội 5-7 người trong xóm đi cùng.
 
Theo bà Chanh, nghề theo lá không sợ nhọc nhằn, chỉ ngại mỗi việc phải nghỉ đông. Trong năm, thuận tiện cho làm nghề nhất là từ giêng hai đến độ tháng 7. Qua tháng 8, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu chớm đến, người làng đã bắt đầu lo lắng chuyện chợ không thông, lá lâu khô, rồi lại ảnh hưởng đến thu nhập. Vào mùa cao điểm, nhà một người hái lá, một người phơi, bó thì không kịp cho bạn hàng lấy. Bạn hàng gom hàng rồi tủa đi khắp nơi. Ai có điều kiện thì ngồi chợ, không thì bán dạo quanh phố.
 
Chúng tôi rời nhà bà Chanh khi nắng đầu ngày đã qua khỏi ngọn tre đầu ngõ. Như để trấn an khách lạ, bà nhắn thêm: “Mình nhờ lá mà làm được nghề nên không tham được mô. Vì tham mà độn lá lung tung là không bền, hại người rồi còn hại cả mình nữa”. Hy vọng, nghề hái lá của người làng Dạ Lê bền mãi như một nét đẹp văn hoá của vùng quê nông thôn này.

Đồng Văn