Tiềm năng

Hệ thống vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai kéo dài từ cửa sông Ô Lâu đến cửa biển Tư Hiền và hàng trăm hồ chứa thủy lợi, thủy điện với môi trường trung hòa giữa nguồn nước mặn và ngọt từ các sông, suối đổ về. Hệ sinh thái ở đây rất phong phú, thuận lợi cho nhiều loại thủy sinh phát triển và nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, người dân khai thác và phát huy tiềm năng lớn này để đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng.

Nuôi cá lồng trên hồ Khe Ngang

Nhiều hộ ở vùng đầm phá, ven biển các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, TX Hương Trà... khá lên từ nuôi trồng thủy sản.  Chị Trần Thị Hoa, một hộ dân ở thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An (Phú Vang) nuôi 30 lồng cá chẽm, mú, hồng... Hơn 10 năm nay, nghề nuôi cá lồng giúp gia đình chị Hoa mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng, ít cũng 50-70 triệu đồng.

Tại hồ thủy lợi Khe Lời, xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy), hai năm nay, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) thuê mặt nước nuôi cá diêu hồng, ba sa, rô đầu vuông… với 54 lồng, bình quân mỗi năm lãi 300 triệu đồng. Ông Hoàng Ngọc Thanh ở phường Xuân Phú (TP. Huế) thuê mặt nước ở hồ thủy lợi Khe Ngang, xã Hương Hồ (TX. Hương Trà) nuôi thử nghiệm hơn 30 lồng cá diêu hồng, ba sa… trừ chi phí con giống, thức ăn,... mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, vài năm gần đây, số lượng lồng nuôi cá tăng đáng kể, từ chưa đầy 2.000 lồng năm 2011, đến nay đã tăng lên 5.000 lồng. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng khá cao, trong khi chi phí đầu tư con giống, thiết bị làm lồng khá thấp.

Hiệu quả nuôi cá lồng thấy rõ, song theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Đức, tình trạng phát triển ồ ạt, tự phát, thiếu quy hoạch là vấn đề nan giải. Nhiều hộ nuôi không tuân thủ quy trình kỹ thuật, khoảng cách giữa các lồng, các cụm nuôi chưa hợp lý, nguồn thức ăn thiếu kiểm định...

Hướng đến VietGap

Vài năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thí điểm 1 ha mô hình nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP tại các xã Quảng Lợi (Quảng Điền), Thủy Phù (TX. Hương Thủy) và Phong Sơn (Phong Điền). Quá trình sinh trưởng, tỉ lệ sống đạt 75%, năng suất 9 tấn/ha. Ông Lê Đình Thi, một hộ tham gia mô hình cho biết, quá trình nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp, lãi cao hơn so với nuôi thông thường.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, chủ hồ nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Khe Lời, xã Thủy Phù (TX.Hương Thủy), nuôi cá theo quy trình VietGAP là hướng đi phù hợp, hướng đến sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe. Có được sản phẩm an toàn phải biết chọn giống khỏe mạnh, thức ăn mua tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Quá trình nuôi tuyệt đối không sử dụng các hóa chất để tẩy rửa lồng, xử lý dịch bệnh...

Tại các vùng đầm phá, người nuôi cá lồng cũng đang hướng đến quy trình VietGAP. Ông Hà Văn Trường ở xã Hải Dương (TX.Hương Trà) cho rằng, mô hình nuôi cá lồng Đan Mạch là một trong những lựa chọn phù hợp, tạo sản phẩm an toàn. Lồng nuôi được thiết kế bằng vật liệu đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường. Các khâu chọn giống, vệ sinh lồng, nguồn thức ăn... được quy định khắt khe.

Theo ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nuôi cá theo hướng VietGAP bắt đầu từ khâu kiểm định chất lượng nước của vùng nuôi trước khi thả giống. Nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm, vùng thả lồng có độ sâu tối thiểu 3,5 m trở lên. Lồng bằng tre, nứa phải chuyển đổi sang lồng sắt nhằm dễ dàng trong khâu vệ sinh và đảm bảo độ bền. Nguồn giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng, không trầy xước, bong vẩy, kích thước đồng đều và không mắc bệnh.

Nguồn thức ăn thay vì các loại cá tạp như trước đây cần thay bằng thức ăn công nghiệp. Các ban, ngành hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, tư vấn thuốc phòng bệnh, cách giữ vệ sinh lồng cá, xử lý chất thải, kiểm soát nguồn nước thải từ các hộ gia đình, doanh nghiệp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Toàn bộ số lồng nuôi đều được cấp mã số để thuận lợi cho việc quản lý, kiểm tra nguồn gốc cá khi đưa ra thị trường. Ngành nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu và chuỗi cửa hàng cung cấp thủy sản an toàn để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn và sử dụng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu phát triển 6.000 lồng cá nuôi, trong đó 4.000 lồng nuôi nước lợ và 2.000 lồng nước ngọt. Ngành nông nghiệp tiếp tục thí điểm mô hình nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP; áp dụng cấp chứng chỉ thí điểm cho các cơ sở, vùng nuôi hữu cơ, an toàn; chú trọng phòng chống dịch bệnh lây lan, đồng thời bảo vệ môi trường vùng nuôi tập trung.

Bài, ảnh: Hoàng Triều