Ủy viên châu Âu về hành động và năng lượng khí hậu Miguel Arias Canete. Ảnh: AFP

Các Ngoại trưởng EU hôm qua (6/3) cam kết khối này sẽ tăng cường ngoại giao để thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nước Mỹ có khả năng sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris, khi trong quá trình vận động tranh cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ làm đảo ngược các sáng kiến về biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm Barrack Obama và rút khỏi Thoả thuận khí hậu Paris do 194 nước hậu thuẫn vào cuối năm 2015 để kiềm chế sự ấm lên toàn cầu, bằng cách cắt giảm khí nhà kính.

Song song đó, các Ngoại trưởng Châu Âu cũng đồng ý nâng cao nhận thức về những rủi ro do biến đổi khí hậu giữa các đối tác và giúp các nước đang phát triển tiếp cận với năng lượng bền vững.

Trong một tuyên bố, các bộ trưởng cho biết, khối này cam kết "phục hồi lại môi trường ngoại giao của EU ... có tính đến những phát triển mới nhất và thay đổi cảnh quan địa chính trị".

Là một phần trong nỗ lực đó, uỷ viên về khí hậu của EU Miguel Arias Canete đã tới Canada và lên kế hoạch thăm viếng các nước Trung Quốc, Iran và Ấn Độ nhằm duy trì các liên minh vững chắc trong các cuộc đàm phán về khí hậu.

Một quan chức EU cho biết: "Chúng tôi đang chỉ định các nhà ngoại giao của chúng tôi tại các phái đoàn EU và các đại sứ quán tiến hành một chiến dịch xông xáo để Thoả thuận Paris được thực hiện và cứu vãn".

Liệu Tổng thống Trump có rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận Paris hay không, đó vẫn còn là mối lo của các nhà ngoại giao. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên nền kinh tế lớn nhất thế giới lảng tránh các nỗ lực quốc tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton đã thương lượng và ký kết Nghị định thư Kyoto năm 1997 nhưng chưa bao giờ đệ trình lên Thượng viện để phê chuẩn.

Các nhà hoạt động khí hậu cho biết, EU phải tìm kiếm các đối tác khác nhau để bảo vệ các mục tiêu trong Thoả thuận Paris nhằm kiềm chế mức nóng lên của trái đất dưới mức 2 độ C (3,6 độ Fahrenheit) hoặc mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ.

Đại diện Ulriikka Aarnio của Mạng lưới Hành động Khí hậu Châu Âu cho biết: "Việc tăng cường ngoại giao khí hậu ở châu Âu là việc cực kỳ quan trọng, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump tách biệt với các hành động về biến đổi khí hậu toàn cầu", do đó, "EU phải sử dụng mạng lưới ngoại giao khổng lồ của mình để tăng cường liên minh với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Canada".

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & CBNC)