Đó là câu chuyện khá đặc biệt của N.V.T (sinh 1995, trú tại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền).
Ngày 16/2/2016, vào Đồng Nai xin việc làm nhưng không được, nên ngày 21/10/2016, T. trở ra quê nhà. Do nghiện ma túy nên khi đến huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, thông qua một đối tượng làm nghề xe ôm, T. mua của người phụ nữ không rõ lai lịch, địa chỉ 1 gói ma túy dạng đá với giá 4 triệu đồng, rồi đón xe về quê. Khoảng 12 giờ ngày 23/10/2016, ra đến TP.Huế, do hối hận về hành vi mua ma túy về sử dụng của mình, nên T. đã chủ động đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Huế tự thú, đồng thời giao nộp gói ma túy.
Tại phòng xử án, T. thảng thốt nhìn quanh tìm người thân nhưng không có một ai vì người thân bị cáo không biết ngày tòa đưa vụ án ra xét xử để đến dự.
Được phép của công an, bị cáo đón chiếc điện thoại của phóng viên cho mượn, run run bấm số. Mặt bị cáo thẫn thờ, mắt rưng rưng, biểu hiện rất nhiều “cung bậc” cảm xúc. T. nói, cha cậu là người cầm máy. Ông khóc vì không biết hôm nay con trai ra tòa. Khóc vì bây giờ không thể đến kịp, bởi từ nhà T. ở Điền Lộc vào TP. Huế, sức già của ông chạy xe máy mất hơn tiếng rưỡi đồng hồ. Dặn dò rất nhiều điều, giọng của ông cứ nghèn nghẹn...
Trước tòa T. khai, do buồn chuyện riêng nên khi bạn bè rủ rê sử dụng ma túy, bị cáo làm thử để... “quên đời”. Ai ngờ, chuyện buồn cũng không quên được, lại sa vào nghiện. Những ngày dính vào “cái chết trắng”, T. thấy lo sợ. Nếu không “cắt” ma túy, cuộc đời sau này không biết sẽ tệ hại đến đâu. Mà T. chỉ mới 22 tuổi. Cha già mẹ bệnh sẽ ra sao? Nhưng làm thế nào để “cắt” hiệu quả? Chỉ còn cách tự thú. Chắc chắn, bị cáo sẽ bị “đi tù”. Thế nhưng “được’ ở trong trại giam lại chính là cơ hội cho bị cáo cải tạo, cai nghiện.
Ghi nhận những hối hận, ăn năn của T, một vị hội thẩm nhân dân dặn dò, khuyến khích bị cáo cố gắng cải tạo tốt để làm lại cuộc đời. Sau khi nghị án, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 1 năm 3 tháng tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”. Tòa tuyên án xong, T. lủi thủi lên xe về lại trại tạm giam.
Nhà của T. nằm cuối thôn, sát cạnh biển. Giữa trưa, nhưng cha T. đi làm thuê vẫn chưa về. Người mẹ bệnh một mình trong ngôi nhà vắng lặng. Tiếng sóng ầm ào của ngày biển động càng khiến không gian “tâm trạng” hơn. Thẫn thờ mất lúc lâu, mẹ T. mới thốt lên, rằng gia đình không biết ngày con ra tòa nên lúc nhận điện thoại của con, cha T.thương quá cứ khóc nức nở, chẳng nghe được T. nói gì. Ông dặn dò, động viên con yên tâm, cố gắng cải tạo, nhưng nước mắt nhiều hơn lời nói. “Tui cũng thương con đứt ruột, nhưng tui ráng nuốt nước mắt ngược vào trong. Tui mà khóc lóc yếu đuối như chồng nữa thì thằng T. sao yên tâm. Chồng tui khóc trong điện thoại, chứ có mặt ở phiên tòa mà khóc như vậy thì con nó cũng “yếu đuối” đi chứ.
Tấm lòng cha mẹ, ai cũng thương con, nhưng mỗi người biểu hiện một cách. Con như vậy, lòng mẹ tan nát, nhưng lần trước đến trại tạm giam thăm, tui vẫn “nói cứng” để hắn quyết chí mà cải tạo, tu tỉnh”.
Mẹ T. tâm sự, từ ngày biết con dính vào ma túy, bà hoang mang, lo lắng lắm. Bởi đã nghiện “cái thứ ấy” thì chỉ có “con đường chết”. Hôm T. đến công an tự thú, rồi có anh công an gọi điện về nhà, bảo bà đến bảo lãnh cho T. về mấy hôm, bà vừa bàng hoàng, nhưng cũng mừng lắm. Con bà đi tự thú, có nghĩa nó muốn “cứu” mình. Coi như cuộc đời nó còn hi vọng, mà vợ chồng bà cũng hi vọng sẽ “tìm lại” được đứa con này. “Trong thời gian 10 ngày được ở nhà sau hôm tự thú, thằng T. rất lo sợ. Nó sợ cảnh ngồi trong trại giam, sợ những cơn vật vã vì không có “thuốc”... Biết vậy nên vợ chồng tui “xúm vào” động viên, phân tích mọi nhẽ. Tui nói, con đã dũng cảm tự thú thì bây chừ phải dũng cảm mà đoạn tuyệt với chất gây nghiện chết người đó. Cha mẹ chờ con về, không đi biển thì đi phụ thợ nề, làm thợ kép hay làm thuê làm mướn. Làm công việc gì cũng được, miễn lương thiện”...
Chợt nhớ lời của một công an làm nhiệm vụ tại phiên tòa. Anh bảo, đây là trường hợp hy hữu, một người nghiện tự tìm đến cơ quan công an để tự thú, “quyết liệt” tìm cách “cứu” cuộc đời mình. Có nghĩa, thanh niên này có hy vọng sẽ cải tạo tốt, làm lại cuộc đời.
Quỳnh Anh