Xác định đầu tư để phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một yêu cầu mang tính chiến lược, nhưng tại chuyên đề này, nhiều đại biểu đã đặt và phân tích vấn đề để đưa ra các kiến nghị một cách rốt ráo xung quanh sự gia tăng về dân số nội vùng (bao gồm 45 xã), về lao động và đào tạo việc làm cũng như vấn đề lực lượng lao động đang bị già hoá; về hạ tầng cho du lịch đầm phá cũng như hạ tầng cho các bến cảng, nơi neo đậu tàu thuyền, các cảnh báo về bờ biển bị xâm thực... Trong đó, có rất nhiều ý kiến quan tâm đến việc nuôi trồng thuỷ hải sản ở khu vực này còn thiếu tính bền vững khi chưa chủ động được nguồn tôm, cá giống; chỉ số an toàn về môi trường trong nuôi thả chưa đạt yêu cầu; về nguồn nước sạch cho một bộ phân dân cư ở các xã thuộc khu vực 3 của huyện Phú Lộc. Cần phải xem lại công tác quy hoạch khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản; chú tâm đến các vấn đề về rác thải cả trong sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp là ý kiến trọng tâm của anh Nguyễn Đình Đấu, Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường bên cạnh ý kiến được nhiều người đồng tình của anh Nguyễn Kim Dũng về việc tổ chức dịch vụ của bãi biển Thuận An cũng như hệ thống ven biển, khi chất lượng ở khu vực này không chỉ là có vấn đề về giá cả mà còn cả trong việc sử dụng và bảo vệ môi trường...

Kết luận tại hội nghị về vấn đề này, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã một lần nữa nhấn mạnh, mặc dù đã kinh tế - xã hội vùng biển, đầm phá có những chuyển biến cơ bản sau 5 năm thực hiện nghị quyết 06 trên các lĩnh vực kinh tế thủy sản; tăng sản lượng khai thác xa bờ tăng nhanh, năng suất lúa ngày một cao, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, cấp nước, cấp điện được tập trung đầu tư, an ninh quốc phòng được giữ vững, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo đảm. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn... nhưng tình hình kinh tế - xã hội vùng biển, đầm phá nói chung, vùng Tam Giang - Cầu Hai nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế khi tiến độ xây dựng các khu du lịch còn chậm, nhiều dự án bị thu hồi. Hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguồn lợi thủy sản ngày càng bị suy giảm, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra nhiều nơi...
 
Để tập trung phát triển kinh tế vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, xem đó như một chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế, một trong những vấn đề mà Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh là phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đó cũng như là một trong những vấn đề mấu chốt, bao gồm nhiều yếu tố trên tất cả các lĩnh vực như một tiêu chí cơ bản và quan trọng trong sự phát triển của Tam Giang – Cầu Hai và không chỉ của Tam Giang – Cầu Hai.
 
Như vậy, vấn đề sau hội nghị là, các cơ quan chuyên ngành, quản lý và các địa phương trong vùng sẽ rà soát, điều chỉnh và xây dựng kế hoạch này như thế nào. Một chuyển động đều, nhanh ở khía cạnh này chắc chắn sẽ tạo ra một sự thay đổi về chất của Tam Giang – Cầu Hai...
 
Hạnh Nhi