Hàng ngàn con gà của ông Lê Công Đức không được tiêm vắc xin

Không tiêm vắc xin

Thị trấn Phú Đa (Phú Vang) là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh xảy ra DCGC vào năm 2004. Thế nhưng, người dân vẫn rất chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Mới đây, thủy cầm của nhiều hộ chăn nuôi bị chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Hơn 1.000 con vịt của hộ ông Đỗ Luyện ở tổ dân phố Hòa Đông, thị trấn Phú Đa nuôi từ cuối năm trước đến nay sắp thu hoạch; chỉ trong vòng tuần qua, 750 con vịt bị chết, thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Điều đáng nói là khi xảy ra hiện tượng vịt chết, hộ ông Luyện không báo với chính quyền, cơ quan thú y để có biện pháp xử lý. Ông Luyện cho biết, không chỉ hộ ông, nhiều hộ nuôi vịt tại địa phương cũng bị chết từ vài chục đến vài trăm con, không rõ nguyên nhân.

Khi được hỏi về việc tiêm vắc xin cho thủy cầm, ông Luyện nói “Có tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng”. Chúng tôi xin được xem sổ theo dõi quá trình tiêu độc, tiêm vắc xin thì ông Luyện bảo không có. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hộ chăn nuôi phải có sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ thời gian, thời điểm tiêm vắc xin, tiêu độc có xác nhận của cơ quan thú y, chính quyền địa phương.

Hộ ông Lê Công Đức ở tổ dân phố Nam Châu, thị trấn Phú Đa nuôi đến 2.000 con gà/lứa, mỗi lứa nuôi từ hai tháng rưỡi đến ba tháng. Ông Đức thừa nhận: “Từ khi mua giống về nuôi đến khi thu hoạch, không tiêm vắc xin lần nào, chỉ tiêu độc khử trùng”. Khi mua giống về nuôi, hộ này không khai báo với chính quyền địa phương nên không được cấp sổ theo dõi đàn gia cầm.

Việc người dân chăn nuôi không khai báo với chính quyền địa phương, cố tình không chấp hành tiêm vắc xin là do sợ tốn lệ phí tiêm khoảng 500-1.000 đồng/con, một phần lo ngại gia cầm chậm phát triển. Trong khi đó, theo Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh thì trong quá trình tiêm vắc xin, cán bộ thú y nhiều lần tuyên truyền về việc tiêm vắc xin sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ và sự phát triển của gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Bửu, cán bộ phụ trách nông nghiệp thị trấn Phú Đa cho biết, trên địa bàn có đến 2.545 hộ chăn nuôi gia cầm, chủ yếu quy mô gia trại từ vài chục con đến trên 2.000 con. Một số gia trại quy mô lớn cơ bản tuân các quy định chăn nuôi an toàn, còn lại trên 70% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều tự phát, không tiêm vắc xin, tiêu độc khử trùng. Các hộ chăn nuôi tự phát, không khai báo với chính quyền địa phương nên không được cấp sổ theo dõi.

Theo Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Trần Quốc Sửu, điều đáng lo ngại là trong thời điểm có nhiều nguy cơ tái phát DCGC, song các hộ chăn nuôi tỏ ra rất chủ quan trong công tác phòng, chống theo quy định. Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã cấp phát trên 550 sổ theo dõi đàn gia cầm cho các địa phương. Theo quy định, các hộ nuôi từ 50 con trở lên phải được cấp sổ theo dõi. Cùng với việc cấp sổ, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức tập huấn phương pháp quản lý đàn cho cán bộ nông nghiệp, thú y các huyện, thị xã. Tuy nhiên, không chỉ các hộ chưa được cấp sổ mà nhiều hộ mặc dù được cấp sổ theo dõi đàn gia cầm nhưng sử dụng không đúng theo hướng dẫn. Sổ theo dõi không ghi họ tên, địa chỉ, số lượng gia cầm, không ghi chép thời điểm tiêm vắc xin, tiêu độc, khử trùng...

Cần quản lý, xử lý vi phạm

Tại các chốt kiểm dịch phía Bắc-Nam và A Lưới, ngành thú y tỉnh phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường thường xuyên canh gác, chốt chặn, tuần tra nhằm ngăn chặn các phương tiện vận chuyển gia cầm đi qua địa bàn. Trước khi cho đi qua chốt, tất cả các phương tiện đều được kiểm ra các thủ tục kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ gia cầm; đồng thời triển khai tiêu độc, khử trùng...

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh thông tin, tại Trung Quốc, DCGC A/H7N9 đang lây lan nhanh và có trường hợp tử vong. Cùng với nhiều tỉnh, thành, Thừa Thiên Huế được nhận định có nhiều nguy cơ tái phát DCGC nếu công tác phòng, chống không hiệu quả. Việc không chấp hành tiêm vắc xin, nuôi thả rông, chạy đồng và không chấp hành việc sử dụng sổ theo dõi đàn gia cầm... là những nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ tái phát dịch.

Thời điểm này, ngành thú y đang tích cực triển khai các biện pháp phòng dịch, hưởng ứng tháng hành động tiêu độc, khử trùng. Cùng với việc thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại nuôi, các lò giết mổ gia cầm, các điểm có nguy cơ, ổ dịch cũ... Chi cục Chăn nuôi- Thú y đang triển khai tiêm vắc xin vụ xuân. Việc tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hết sức quan trọng có thể ngăn chặn nguy cơ tái phát dịch một cách hiệu quả. Ngành thú y phấn đấu tiêm vắc xin đạt 100% tổng đàn với hơn 1 triệu liều. Tuy nhiên, tiến độ tiêm phòng ở các địa phương còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chây ỳ, cán bộ thú y nhiều lần vận động mới cho tiêm. Một số cán bộ thú y cơ sở chưa tích cực trong công tác tiêm vắc xin.

Ngoài nhận thức của người dân còn thấp, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng còn thiếu quan tâm kiểm tra và xử lý vi phạm. Các địa phương chỉ chú trọng tiêm vắc xin phòng DCGC cho đàn gia cầm nuôi tập trung quy mô lớn, chưa quan tâm tiêm cho gia cầm chăn nuôi nhỏ lẻ. Để ngăn chặn nguy cơ tái phát DCGC trên địa bàn tỉnh một cách hiệu quả, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hộ chăn nuôi nhằm có biện pháp tiêm bổ sung kịp thời cho số gia cầm nuôi mới chưa được tiêm và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ...

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ