Nhiều cơ sở ươm giống tràm ra đời phục vụ nhu cầu người dân

Giải bài toán nguyên liệu

Là một trong những cơ sở sản xuất dầu tràm quy mô lớn trên địa bàn xã Lộc Thủy, cơ sở Trường Hải mỗi tháng cung ứng ra thị trường 200 lít dầu nguyên chất. Đáp ứng số lượng dầu này, cơ sở phải sử dụng tới 60 tấn tràm nguyên liệu. Song, do số lượng cơ sở sản xuất dầu tràm ngày càng nhiều, trong khi diện tích tràm tự nhiên và do các hộ gia đình trồng còn hạn chế nên không đáp ứng đủ nguyên liệu sản xuất.

Giải “bài toán” này, cơ sở phải đầu tư vốn trồng mới 2 ha tràm ở thôn Thủy Yên, đồng thời xin đất để trồng thêm 2 ha nhằm ổn định nguồn nguyên liệu tại chỗ. “Để chiết xuất ra 1 lít dầu tràm nguyên chất, cơ sở phải sử dụng tới 3 tạ tràm nguyên liệu. Trong khi đó, mỗi năm cây tràm chỉ tích tụ dầu nhiều nhất từ tháng 3-9 âm lịch, thời gian còn lại tràm đâm lộc rất ít dầu. Vì vậy, để đủ số lượng dầu tiêu thụ trên thị trường, không còn cách nào khác là phải tự trồng tràm để đảm bảo đầu vào ổn định”, chủ cơ sở, chị Lê Thị Linh chia sẻ. 

Cơ sở sản xuất dầu tràm Phan Thị Quyên mỗi năm sản xuất trên 700 lít dầu tràm cung ứng cho các đối tác ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Song, do không chủ động nguồn nguyên liệu nên đôi lúc phải gián đoạn sản xuất. “Trước đây cả xã chỉ có hơn chục cơ sở nên không lo thiếu nguyên liệu, còn bây giờ nhà nhà nấu tràm, người người nấu tràm nên mối lo lớn nhất là không đủ nguyên liệu. Tránh tình trạng pha chế hóa chất hoặc dầu tràm giả, chính quyền địa phương cần quy hoạch diện tích trồng tràm, đồng thời tạo điều kiện về cây giống, kỹ thuật cho người dân mở rộng diện tích tràm”, bà Phan Thị Quyên đề xuất.

Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ dầu tràm Lộc Thủy Trương Viết Đính cho rằng: “Ngoài việc vận động các cơ sở đầu tư vốn mở rộng diện tích tràm, đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, HTX đã liên kết với các đơn vị vệ tinh tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà và Hương Thủy cung cấp nguyên liệu. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ dầu tràm ngày càng mở rộng, trong khi nguồn nguyên liệu tự nhiên đang dần cạn kiệt, nên giải pháp duy nhất để đảm bảo đủ nguyên liệu là mở rộng diện tích trồng tràm”.

Mở rộng diện tích tràm

Theo lãnh đạo UBND xã Lộc Thủy, đến thời này toàn xã có trên 10 ha tràm nguyên liệu phục vụ làng nghề, trong đó UBND huyện Phú Lộc đầu tư trồng thí điểm vùng nguyên liệu tập trung tại hai thôn An Bàng và Phước Hưng với diện tích 3 ha, còn lại do người dân tự trồng. “Nhờ Trung tâm Khuyến nông lâm ngư hỗ trợ cây con, phân bón và tập huấn kỹ thuật nên số diện tích tràm trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho làng nghề”, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy-Nguyễn Văn Hoàng thông tin.   

Trước nhu cầu trồng tràm nguyên liệu ngày càng nhiều, một số cơ sở ươm giống trên địa bàn xã Lộc Thủy ra đời, đáp ứng cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho bà con. Tại cơ sở cây giống Bạch Thị Chi ở thôn An Bàng, hiện mỗi tháng tiêu thụ hàng trăm ngàn bầu tràm, giải quyết việc làm cho 10 lao động. “Trước đây cơ sở chỉ ươm các loại keo lai, keo tai tượng, bạch đàn, những năm gần đây nhu cầu giống tràm nhiều nên chuyển sang ươm tràm. Trong năm 2017, do số lượng khách đặt cây tràm lớn nên cơ sở sẽ ươm khoảng 5-7 vạn bầu”, chủ cơ sở Nguyễn Anh Kiệt cho hay.

Ngoài việc mở rộng diện tích tràm, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Phú Lộc-Trần Lê Tân Mỹ, sắp tới huyện sẽ lập đề án trình Sở Nông nghiệp & PTNN hỗ trợ phát triển 20 ha vùng nguyên liệu, trong đó chú trọng đến cây giống và phân bón. Ngoài ra, sẽ triển khai đề án khôi phục và phát triển làng nghề sản xuất, chế biến dầu tràm, trong đó sẽ chọn từ 1-2 hộ có năng lực hỗ trợ chuyển giao công nghệ lò chưng cất dầu theo quy trình sản xuất mới, có công suất và năng suất lớn.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG