Đến để được hỏi và được tư vấn về cách chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân mỗi học sinh là chuyện bình thường. Điều mà các em muốn biết, muốn gặp và tận tai nghe những người làm công tác tuyển sinh là những cải cách trong kỳ thi mới. Liên tiếp những năm gần đây, hầu như năm nào quy chế tuyển sinh vào đại học cũng có những cải tiến và năm nay cũng thế, có những quy định mang tính lần đầu. Đáng nói là khi đã bắt đầu làm quen với sự đổi thay thì lại tiếp tục có sự thay thế bằng những điều mới hơn, hay sự trở lại của những cái trước kia từng có.

Đầu tiên là bài thi với sự xuất hiện tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên, gộp chung cả 3 môn (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân). Điểm mới thứ hai đối với thí sinh trong xét tuyển đợt 1 là sẽ được đăng ký xét tuyển cùng với thời gian đăng ký dự thi; không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường khi đăng ký xét tuyển; các nguyện vọng của thí sinh được sắp theo thứ tự ưu tiên. Còn nữa nhiều những cải tiến, tuy nhiên với 2 thay đổi nêu trên, người ta đã nói nhiều đến sự giảm tải cho học sinh trong thi cử, bảo đảm sự công bằng và khách quan, hạn chế những bất cập đã nảy sinh trong các năm trước, như tình trạng nghẽn mạng truy cập hay sự xuất hiện quá nhiều lượng thí sinh trúng tuyển ảo…

Kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2016, ở Huế chứng kiến nhiều học sinh thi vào trường y đã khóc thật nhiều và cũng đã được không ít phụ huynh chia sẻ về những bức xúc. Họ khóc và bức xúc vì đã đủ điểm nhưng lại không thể đặt chân vào mái trường đại học mà mình yêu thích và ước mơ. Nguyên nhân chính nằm ở sự phức tạp trong đăng ký xét tuyển đợt đầu tiên. Mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo và chỉ được được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi.

Không đủ điểm để trúng tuyển ngành và trường yêu thích, các thí sinh phải chọn ngành và trường còn lại. Thế là, khi trường muốn chọn không đủ chỉ tiêu tuyển sinh phải hạ điểm chuẩn, bằng với điểm số có được, nhưng vì đã lỡ nộp giấy chứng nhận kết thi ở nơi khác mất rồi không rút về được nữa, vậy là xin đành lỗi hẹn. 25,75 điểm ngang bằng với điểm trúng tuyển bổ sung nhưng không ít thí sinh phải ngẩn ngơ từ bỏ ước mơ trường y của mình là thế. Nó còn xót hơn cả câu thơ “thi không ăn ớt thế mà cay” của Tú Xương xưa.

Cũng trong năm ngoái, theo dõi kết quả cập nhật kết quả thi ở một số trường gặp khó khăn trong tuyển sinh thuộc Đại học Huế không ít người hồi hộp. Trong danh sách lần đầu xuất hiện có khá nhiều thí sinh có điểm trên 20. Thế nhưng, sau khi thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi thì trong danh sách số lượng thí sinh đạt điểm cao đó đã vơi đi một cách đáng buồn. Lý do đơn giản nằm ở việc đăng ký xét tuyển cho phép các em chọn “2 trường, 4 ngành” và trường học ở Huế trong rất nhiều trường hợp, chỉ là sự lựa chọn thứ yếu. Không có, hay có quá ít những thí sinh khá, giỏi đăng ký vào học được xem là tiêu chí đánh giá chất lượng và sự hấp dẫn của thương hiệu đào tạo đại học

Khi mà việc tuyển sinh vào đại học đang ngày có nhiều bất cập thì điều mà dư luận mong chờ là có được một phương án điều chỉnh hợp lý. Suy cho cùng, thi cử là để lựa chọn những học sinh xứng đáng cho các giảng đường đại học. Những thay đổi trong tuyển sinh buộc các trường đại học phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút được nhiều những thí sinh giỏi vào trường được xem là thành công. Còn nhất thiết, nó không thể là sự đánh đố, gây nên những bức xúc cho các sĩ tử. Và, đó là điều mà mọi người đang hy vọng về những thay đổi và điều chỉnh lần này.

ĐAN DUY