Hút thuốc lá chỉ trong một thời gian ngắn của thai kỳ cũng có thể dẫn đến hậu quả suốt đời đối với thai nhi. Ảnh: Reuters

Các nhà nghiên cứu tập trung vào độ dày của lớp sợi thần kinh võng mạc, có chức năng truyền thông tin thị giác từ mắt tới não. Lớp sợi thần kinh võng mạc quá mỏng có thể đem đến nguy cơ bị suy giảm thị lực và tăng nhãn áp, một loại bệnh có thể dẫn đến chứng mù.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên quan giữa việc hút thuốc của bà mẹ mang thai với trẻ sơ sinh bị thiếu cân.

Theo đó, vì trọng lượng trẻ sơ sinh thấp có liên quan đến lớp sợi thần kinh võng mạc mỏng hơn, hút thuốc lá có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lên các dây thần kinh thị giác và kết nối với võng mạc.

Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà nghiên cứu kiểm tra dữ liệu từ kết quả khám mắt của 1.323 trẻ em ở độ tuổi 11 hoặc 12 và phát hiện rằng, cả việc hút thuốc và thiếu cân khi sinh đều liên quan đến sợi thần kinh võng mạc mỏng hơn.

Trong đó, 80% bà mẹ không hút thuốc, 2% bà mẹ ngừng hút thuốc và khoảng 18% tiếp tục hút thuốc trong suốt thai kỳ. Gần 4% trẻ sơ sinh được sinh ra với trọng lượng khi sinh thấp.

Kết quả khám mắt cho tất cả trẻ em cho thấy, chúng có sợi thần kinh với độ dày trung bình là 104 micromet.

Trẻ em của những bà mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai có sợi thần kinh võng mạc thường mỏng hơn 5,7 micromet so với con của các bà mẹ không hút thuốc lá trong khi mang thai.

Không có sự khác biệt giữa con của những bà mẹ không hút thuốc và trẻ em sinh ra từ những phụ nữ ngừng hút thuốc trong thời kỳ mang thai.

Ở trẻ sơ sinh nhẹ cân, sợi thần kinh võng mạc trung bình mỏng hơn 3,5 micromet so với trẻ em sinh ra với trọng lượng bình thường.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & Sun News)