Một tác phẩm của họa sĩ Dương Đình Sang
Triển lãm đầu tiên tại Huế của họa sĩ Dương Đình Sang vào năm 1971, rồi triển lãm chung với họa sĩ Đinh Cường vào năm 1974 cũng tại Huế. Sau năm 1975, là hội viên Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, anh đã có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Huế, tham gia nhiều cuộc triển lãm chung với các tác giả tên tuổi trong nước và quốc tế như: hai triển lãm toàn quốc 1976 và 1980; triển lãm chung với Hoàng Đăng Nhuận, Bửu Chỉ tại Nhà văn hóa Huế (1982); triển lãm cá nhân tại Gallery Đồng Khởi, TP. Hồ Chí Minh; triển lãm tại Gallery Notices Singapore tại Paris, Pháp (1993). Riêng năm 1994, ngoài cuộc triển lãm chung với họa sĩ Thyge Thomasen tại Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, Dương Đình Sang đã có cuộc hội ngộ lớn cùng 26 tác giả Huế thành danh mà phần lớn đều xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế tại Hành lang Bích Câu (Cung văn hóa lao động TP. Hồ Chí Minh).
Từ 1994 - 1998, Dương Đình Sang đã có những bước đi dài đến với công chúng yêu nghệ thuật trên thế giới: triển lãm tại London (Anh), triển lãm chung với họa sĩ Thyge Thomasen tại Hồng Kông, triển lãm tại Motmatre Gallery, Virgina - Hoa Kỳ... Tranh của anh đã có mặt trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước. Sinh thời, họa sĩ Dương Đình Sang được các thế hệ đi trước và cùng thời quý mến, các thế hệ trẻ hơn kính trọng cả trong cuộc sống và trong sáng tạo.
Như niềm mong ước của một tâm hồn luôn hướng đến bầu trời tự do, những khoảng trống trong tranh của Dương Đình Sang trở nên bát ngát, mênh mông. Và, những viên sỏi, ánh mắt, ngọn đèn dầu, mặt trăng, mặt trời hay dáng vẻ của một thiên sứ, sự trầm tư của một triết nhân, gương mặt buồn của một thiếu phụ... cái tĩnh và động trong tranh của Dương Đình Sang quyện vào nhau như âm và dương, như nóng và lạnh, như địa ngục và thiên đàng.
Thật ra ranh giới mong manh đó chỉ là một giả định được người họa sĩ tạo ra như cái cớ để nhắc nhở người xem, chứ nếu quan sát kỹ tác phẩm của Dương Đình Sang, rất khó để phân định được lằn ranh đó, mà hình như anh muốn nói đến cái thế giới tâm biến hiện trong mỗi cá thể khi đối diện trước bức màng hư vô. Đó chính là triết luận của con đường sáng tạo mà người hoạ sĩ tài hoa này đã chiêm nghiệm và thể hiện trên mỗi tác phẩm của mình.
Trong thế giới tranh của Dương Đình Sang còn có dấu vết của cỏ cây và thành quách xứ Huế, bởi những sắc màu rất thơ mộng cùng với những vệt rêu màu lục già như chứng nhân của thời gian ghi dấu lên đất đá. Màu sắc trong tranh của anh phân định rõ ràng gam chính và các yếu tố phụ, tùy từng thời kỳ và cảm xúc trong từng thời điểm để các tông màu được thể hiện trên nền toan trắng. Nếu vàng là mùa thu phiêu lãng, thì màu lục gợi lên những ký ức như gieo vào đất những mầm sống của mùa xuân, còn sắc đỏ cam hướng người xem liên tưởng đến một mùa hạ rực rỡ màu hoa lửa...
Trên những tông màu chủ đạo làm nền là những kí hiệu và biểu tượng của văn hóa, là những nụ cười và nước mắt của người nghệ sĩ đã cảm nhận được từ cuộc sống, từ trong sâu thẳm nội tâm... Một số tác phẩm của họa sĩ Dương Đình Sang hướng về đề tài tôn giáo với sự tĩnh lặng trang nghiêm, hay là bờ vực tử - sinh của hành giả đang trên đường tìm chân lý.
Ngoài loạt tranh được đặt tên: “Vũ điệu Apsara”, “Dấu tích Chàm”, "Tôtem I", "Tôtem II"... thuộc thể loại trừu tượng, bán trừu tượng... kể từ ngày anh qua đời đột ngột do suy tim (10/2005), hầu hết các tác phẩm của anh sau này chỉ để năm sáng tác khi triển lãm. |
Lê Huỳnh Lâm