Sau khi có kết luận chính thức từ Tòa án Tối cao Hàn Quốc ngày 10/3 về việc bãi miễn Tổng thống Park Geun-hye, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đã có bài viết nhận định về “phiên luận tội thế kỷ tại Hàn Quốc” này.
Tổng thống Park Geun-hye. Ảnh: Reuters |
Yonhap dẫn phân tích từ các chuyên gia của Hàn Quốc cho rằng, việc bà Park Geun-hye bị bãi nhiệm nêu bật tầm quan trọng về “quyền giám sát của công dân” đối với các nhà lãnh đạo chính trị và buộc những nhà lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm cho những hành vi sai trái của mình.
Kể từ khi vụ bê bối chính trị liên quan đến bà Park Geun-hye bị phanh phui hồi tháng 10/2016, người dân Hàn Quốc đã liên tục xuống đường biểu tình ôn hòa trên quy mô lớn nhằm gây sức ép buộc bà Park Geun-hye phải từ chức.
“Sự ra đi của bà Park Geun-hye cho thấy, vị trí Tổng thống không còn là “bất khả xâm phạm" nữa”, ông Jun Kye-wan, một nhà phân tích chính trị nhận định: “Vụ việc này cho thấy tầm ảnh hưởng của công chúng đối với ngay cả một nhà lãnh đạo đất nước do chính họ bầu ra”.
Theo giới quan sát, việc bà Park Geun-hye bị bãi chức xuất phát từ chính phong cách lãnh đạo “hành xử một mình” của bà Park Geun-hye cũng như việc bà Park Geun-hye không sẵn sàng trao đổi công việc ngay cả với những trợ lý cao cấp của bà.
“Ngay từ khi lên nắm quyền, đã có những lời phàn nàn rằng, bà Park Geun-hye không chịu gần gũi với dân chúng”, Giáo sư Đại học Myongji Kim Hyung-joon nói.
“Đảng cầm quyền có xu hướng tăng cường quyền lực cho Tổng thống và rõ ràng bà Park Geun-hye cho rằng bà không cần lắng nghe mọi người. Đó chính là những lý do rõ ràng cho sự sụp đổ về sự nghiệp chính trị của bà Park Geun-hye”, ông Kim Hyung-joon nói.
Sự nghiệp chính trị: Từ đỉnh cao xuống vực sâu
Tổng thống Park Geun-hye chính thức bước vào con đường chính trị sau chiến thắng vang dội vào năm 1998 tại cuộc bầu cử ở Daegu- cách thủ đô Seoul 300km về phía Nam- nhờ danh tiếng của người cha- cố Tổng thống Park Chung-hee.
Ông Park Chung-hee là người đặt nền móng quan trọng cho sự thăng hoa về kinh tế của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Park Chung-hee bị chỉ trích nặng nề về phong cách lãnh đạo có phần độc đoán của mình- xuất phát từ việc ông từng là tướng lãnh quân đội tham gia vào cuộc đảo chính quân sự hồi năm 1961 và lên nắm quyền sau đó.
Thừa hưởng tính cách của người cha, trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, bà Park Geun-hye nổi tiếng là người “tôn trọng kỷ luật và rất đáng tin cậy”, nhất là trong vụ việc hồi năm 2009, khi bà nhất quyết duy trì kế hoạch di dời một số văn phòng quan trọng của Chính phủ từ Seoul về Sejong vốn vấp phải rất nhiều sự chỉ trích. Tuy nhiên, danh tiếng đó của bà Park Geun-hye nhanh chóng bị “phủ bóng” bởi phong cách lãnh đạo bị chỉ trích là “máy móc” của bà.
“Người dân Hàn Quốc mong muốn bà Park Geun-hye kế thừa được những tinh hoa trong phong cách lãnh đạo của người cha trong khi hạn chế tối đa những sai lầm ông Park Chung-hee từng mắc phải.
Tuy nhiên, bà ấy đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân về một nữ Tổng thống đầu tiên của đất nước. Bà Park Geun-hye không nắm bắt được sự thay đổi về thời cuộc và không đủ linh hoạt để hiểu được suy nghĩ của người dân”, ông Jun Kye-wan nhận định.
Giai đoạn nắm quyền Tổng thống của bà Park Geun-hye cũng rất sóng gió khi bà liên tục phải trải qua rất nhiều vụ bê bối ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của bà như vụ chìm phà Sewol hồi năm 2014 khi bà bị cáo buộc “mất tích” trong vòng 7 giờ liền sau khi tai nạn diễn ra.
Ngoài ra, bà Park Geun-hye cũng bị chỉ trích vì việc đã quá thụ động trước những “hành vi khiêu khích” từ phía Triều Tiên và không làm gì để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên được thể hiện rõ rệt nhất qua 2 vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây.
Việc bà Park Geun-hye bị bãi miễn khiến nhiều đề xuất chính trị quan trọng của bà “bị đóng băng”. Những sáng kiến được cho là rất táo bạo của bà bao gồm kế hoạch “hồi sinh” nền kinh tế, cải cách tài chính, giáo dục và lao động và xây dựng lại niềm tin với Triều Tiên cũng như tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác trong khu vực Đông Bắc Á.
Theo các chuyên gia, nhiệm vụ của người kế nhiệm bà Park Geun-hye là phải tìm cách hàn gắn quốc gia vốn đang bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều tháng qua liên quan đến vụ bê bối chính trị của bà Park Geun-hye để sẵn sàng đối phó với những thách thức nghiêm trọng về an ninh và kinh tế trước mắt.
“Hàn Quốc đang cần những chính trị gia có tầm nhìn xa, trông rộng, những người biết cách đoàn kết người dân thay vì khiến họ “chĩa mũi dùi” vào nhau”, ông Lee Chung-hee- Giáo sư Chính trị tại Đại học Hanbuk nhận định./.
Theo VOV