Sở Tài chính là đơn vị đầu tiên của tỉnh thí điểm khoán xe công

Hạn chế mua sắm xe mới

Theo rà soát của Sở Tài chính, hiện tổng số xe công trên địa bàn tỉnh là 223 ô tô; trong đó, xe phục vụ theo chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh và Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh là 4. Trong tổng số xe hiện có, rất nhiều xe có độ tuổi 18-20 năm, cần thanh lý. Trong khi đó, số xe công theo tiêu chuẩn, định mức của Chính phủ giao là 271 xe. Theo tính toán, cả tỉnh còn thiếu khoảng 90 chiếc.

Thực trạng chung là có đơn vị thừa, có đơn vị thiếu xe công. Tuy nhiên, quan điểm của Sở Tài chính là không mua sắm mới xe công nếu như không thật sự cần thiết, cấp bách, đặc biệt là sau khi có các quy định của Chính phủ, UBND tỉnh về quản lý xe công.

Ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đầu tháng 4/2017, Sở Tài chính là đơn vị duy nhất tiến hành thí điểm khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung khi đi công tác đối với các chức danh lãnh đạo. Hiện Sở Tài chính có 2 xe công phục vụ 4 chức danh lãnh đạo. Khi thí điểm, một trong 2 xe đó sẽ được thu hồi để sắp xếp, đảm bảo việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Lãnh đạo sở đang quyết định lựa chọn thực hiện một trong hai phương thức giống như một số nơi đang áp dụng. Thứ nhất, căn cứ yêu cầu công tác, thủ trưởng đơn vị ban hành quyết định khoán kinh phí cho từng chức danh, nhưng không vượt quá 9 triệu đồng/người/tháng. Thứ hai, thủ trưởng cơ quan thực hiện thí điểm quyết định khoán kinh phí sử dụng xe cho từng chức danh theo nguyên tắc khoảng cách thực tế đi công tác hàng tháng nhân đơn giá 13.000 đồng/km.

Ông Mẫn cho biết thêm, đơn vị sẽ chủ động bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho các lái xe ô tô theo quy định; đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong thời gian chờ điều chuyển xe, đơn vị sẽ quản lý, bảo quản xe ô tô theo nguyên trạng và không sử dụng xe.

Bước đột phá về cải cách

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính chia sẻ, ở các nước phát triển, chỉ có các chức danh ở bậc chính khách (bộ trưởng, thị trưởng) trở lên mới được sử dụng xe công đón- đưa đi làm, còn lại phải tự đi làm bằng phương tiện công cộng hay cá nhân. Mỗi tháng, theo quy định chức danh, ngân sách sẽ khoán tiền cho lãnh đạo.

Mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh là đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 30-50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các sở, ban, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Việc Sở Tài chính thí điểm khoán xe công và tiến tới tất cả các sở, ban, ngành, địa phương sẽ khoán xe công đồng loạt tại các đơn vị là xu hướng tất yếu. Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung phải đảm bảo đúng đối tượng, không phát sinh tăng chi phí hành chính hằng năm, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Khi các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe, toàn bộ xe ô tô phục vụ công tác chung do các cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng sẽ thu hồi để sắp xếp, xử lý theo quy định, đảm bảo việc sử dụng xe tiết kiệm, hiệu quả. 

Theo tính toán ban đầu của Sở Tài chính, sau khi thực hiện khoán xe công cho 4 chức danh lãnh đạo sở, trung bình mỗi năm đơn vị sẽ tiết kiệm trên 100 triệu đồng. Nếu tới đây, khi việc khoán xe công được áp dụng đại trà sẽ tiết kiệm được cho ngân sách tỉnh trên dưới 10 tỉ đồng/năm. Đó là chưa kể đến khoản tiền từ việc hóa giá lượng xe ô tô công khá nhiều tại các cơ quan, đơn vị. Việc khoán xe công sẽ góp phần giảm bớt bộ phận hưởng lương và các khoản khác không cần thiết. Với khoản tiền tiết kiệm từ việc khoán xe công nói trên sẽ góp phần đầu tư cho những lĩnh vực ưu tiên của tỉnh về an sinh xã hội, để phục vụ Nhân dân ngày một tốt nhất.

Với mục đích, ý nghĩa trên, việc khoán xe công ở Sở Tài chính sẽ là tiền đề để các địa phương, đơn vị khác triển khai thực hiện.

THÁI BÌNH