Rạn san hô Great Barrier đang bị tẩy trắng nghiêm trọng. Ảnh: AFP

Trong năm ngoái, rạn san hô dài 2.300 km này đã trải qua đợt suy giảm nghiêm trọng nhất, do nhiệt độ biển nóng lên trong suốt tháng 3 và tháng 4/2016. Và giờ đây, hiện tượng tẩy trắng san hô đang xảy ra một lần nữa, Công viên Hải dương rạn san hô Great Barrier Reef của chính phủ cho biết sau một cuộc khảo sát trên bờ biển phía Đông của Úc hôm 10/3.

Giám đốc Công viên Hải dương Barrier Reef - ông David Wachenfeld cho biết, "đáng tiếc là nhiệt độ đã cao ở khu vực có rạn san hô Great Barrier trong mùa hè này và thật không may, chúng ta phải xác nhận có sự tẩy san hô hàng loạt năm thứ 2 liên tiếp". Theo ông, "điều quan trọng là đây là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy rạn san hô Great Barrier Reef bị tẩy trắng trong 2 năm liên tiếp. Chúng ta đã thấy sự gia tăng nhiệt từ tháng 12/2016".

Nhà nghiên cứu Neal Cantin từ Viện Khoa học Hàng hải Úc cảnh báo rằng, sự xuất hiện của hiện tượng tẩy trắng rộng rãi đồng nghĩa với việc không có đủ thời gian để san hô có thể hồi phục hoàn toàn.

Cũng theo lời ông Cantin, "chúng ta đang phải chứng kiến ​​sự suy giảm nghiêm trọng của san hô...Đây là lần đầu tiên Great Barrier Reef không có khoảng thời gian vài năm giữa các đợt tẩy trắng để phục hồi".

Chống lại sự biến đổi khí hậu

Hiện tượng tẩy trắng xảy ra khi điều kiện môi trường bất thường, chẳng hạn như nhiệt độ nước nóng hơn, khiến san hô loại bỏ tảo quang hợp nhỏ, làm cho chúng mất màu. Tuy nhiên, san hô có thể phục hồi nếu nhiệt độ nước giảm xuống và tảo có thể tái tạo chúng.

Mặc dù vậy, hồi tháng 1 vừa qua, các nhà nghiên cứu nói rằng, những rạn san hô có thể tồn tại trong quá trình tẩy trắng nhanh chóng do sự nóng lên toàn cầu sẽ vẫn bị tổn hại sâu sắc và không có nhiều khả năng hồi phục hoàn toàn.

Tổ chức bảo tồn WWF-Australia hôm qua cho biết, đợt tẩy trắng mới nhất làm tăng sự khẩn cấp của việc giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu ở Úc - một trong những nước gây ô nhiễm khí nhà kính tồi tệ nhất trên thế giới.

Trưởng bộ phận đại dương của WWF-Australia, ông Richard Leck nói rằng: "Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không cắt giảm đủ lượng phát thải, chúng ta có thể phải đối mặt với sự tẩy trắng hàng năm của rạn san hô Great Barrier vào năm 2050. Các đợt tẩy trắng liên tiếp đã đến sớm 30 năm".

Theo Hiệp hội Bảo tồn Biển Úc, việc xây dựng một dự án than lớn ở Ấn Độ gần rạn san hô nên bị huỷ bỏ vì nó sẽ gây thêm áp lực lên kỳ quan thiên nhiên này.

Các nhà khoa học cho biết đã lên kế hoạch tiến hành khảo sát thêm trong vài tuần tới để xác định mức độ nghiêm trọng của đợt tẩy trắng lần này.

Năm 2015, Úc đã ngăn được UNESCO đưa rạn san hô này vào danh sách nguy cơ tuyệt chủng, và đã cam kết chi hơn 2 tỷ USD để bảo vệ nó trong thập kỷ tới.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & AP)