Tròn 6 năm sau thảm họa kép động đất, sóng thần dẫn đến sự cố rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản hồi tháng 3/2011, dấu hiệu của sự sống đã trở lại tại nhiều thị trấn và làng mạc quanh khu vực này với những hàng cây xanh mướt, những công trình xây dựng sắp được hoàn tất để đón người dân địa phương trở về.

su song dang hoi sinh tai fukushima 6 nam sau dong dat song than hinh 1
Lợn rừng tự do đi lại trong các khu phố ở Fukushima. Ảnh: Reuters
 

Hai thị trấn Namie và Tomioka, thuộc tỉnh Fukushima nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima không xa, đã được cấp phép mở cửa lại một phần vào ngày 31/3 và 1/4 tới. 

Để đón người hồi hương trở về ngay sau khi lệnh cấm sơ tán được gỡ bỏ trong tháng 3/2017, các công nhân đang nỗ lực ngày đêm sửa chữa lại các con đường, tái thiết các khu dân cư. 

Một trong những công việc phổ biến nhất ở Fukushima trong những ngày này là bẫy lợn rừng. Trước đây, lợn rừng thường tránh con người và sống trong khu vực rừng núi. Tuy nhiên, sau thảm họa hạt nhân, số lượng lợn rừng đã tăng lên đáng kể. Lo ngại lợn rừng có thể phá hoại hoa màu, tấn công người dân, chính quyền nơi đây đã thuê các thợ săn bắt chúng. 

Anh Shoichiro Sakamoto, một thợ săn cho biết: “Sau khi con người rời đi, lợn rừng từ trên núi đã tràn xuống khu vực dân cư. Ở đây có điều kiện thích hợp và nhiều thức ăn. Do đó chúng coi đây là nơi cư trú và sinh sản rất nhiều”.

Tại khu đất gần tòa thị chính Namie, một khu chợ mới đã được dựng lên để đón các du khách thưởng thức những món ăn địa phương hay mua quà lưu niệm. Chính quyền địa phương Namie thông báo sẽ mở cửa một trường học liên cấp cùng một bệnh viện cuối tháng này, phục vụ nhu cầu của những người quay trở lại. 

Hiện tại, mức độ phóng xạ của Namie là 0,07 microsievert/giờ, không quá khác biệt so với những thành phố còn lại ở Nhật Bản. Theo các chuyên gia, mức phóng xạ này là an toàn và người dân có thể trở về nhà. 

Trước đó vào tháng 11/2016, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép người dân đăng ký để được phép qua đêm trong thị trấn. Dự kiến trong đợt hồi hương đầu tiên, có khoảng vài trăm trong số 21.500 cư dân gốc định quay trở lại. Đa phần là những người cao tuổi.  

Ông Munehiro Asada, chủ một xưởng gỗ tại Namie cho biết: “Nếu không ai ở đây mọi người sẽ mất tinh thần và nghĩ rằng họ không thể làm điều đó, nhưng nếu thấy ai đó cố gắng họ sẽ tự nhủ, ồ thì mình cũng sẽ thử”.

Thảm họa động đất - sóng thần ngày 11/3/2011 đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người, khiến hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. 

Dù còn phải khắc phục vô số các vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế sau hơn nửa thập kỷ, nhưng người dân Fukushima vẫn luôn đau đáu về quê hương và có niềm tin, tình yêu với mảnh đất đã gắn bó với họ từ thời cha ông./.

Theo VOV