Theo Nghị định 71 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt các hành vi vi phạm đa phần đều tăng từ 1,5-2,5 lần so với trước đây; đặc biệt, với những hành vi là các nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Việc xử nghiêm, phạt nặng các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông là cần thiết và được đa phần người dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy vậy, điều mọi người băn khoăn nhất là tính khả thi của quy định xử phạt phương tiện mua bán không sang tên đổi chủ. Vẫn biết, việc xử lý trường hợp này là cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý phương tiện giao thông, tránh thất thu thuế cho Nhà nước; đồng thời cũng là cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ tài sản. Tuy nhiên, làm thế nào để xác định người điều khiển phương tiện đang dùng xe của gia đình, thuê, mượn hay đã mua mà chưa sang tên đổi chủ là việc làm không dễ, gây khó khăn, lúng túng cho cả người thực thi pháp luật lẫn người sử dụng phương tiện giao thông. Thực tế trên địa bàn tỉnh sau một tuần triển khai thực hiện nghị định trên, nhiều người dân vẫn bất ngờ, không biết rõ về nghị định này. Lực lượng CSGT chủ yếu nhắc nhở, chưa xử phạt người điều khiển xe mang tên người khác (xe không chính chủ).

Theo thông tin công bố trên Đài Truyền hình Việt Nam, hiện có đến 50% phương tiện tham gia giao thông không chính chủ, bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc, quyết định trên gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân, nhưng rất nhiều người dân lại chưa biết nội dung cụ thể của nghị định như thế nào, dẫn đến tính khả thi của quyết định thấp. Cũng liên quan đến lĩnh vực này, tôi lại nhớ đến quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy. Trước khi áp dụng quy định này, các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức các diễn đàn để các ngành liên quan, người dân tranh luận, bày tỏ chính kiến. Việc làm này không chỉ giúp các ngành liên quan hoàn thiện quy định, mà còn là cách tuyên truyền phổ biến pháp luật hiệu quả, tạo sự đồng thuận xã hội, được người dân tự giác chấp hành.

Trong quy trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay, sẽ còn nhiều văn bản pháp luật được ban hành, hoàn thiện, nên việc tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và tranh thủ ý kiến của nhân dân là việc làm cần phải tiến hành thường xuyên. Quy định pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu cuộc sống, gắn liền với thực tiễn đời sống và có sự đồng thuận xã hội mới có tính khả thi và mang lại hiệu quả thiết thực.

Hoàng Giang