Khi con tàu huyền thoại RMS Titanic ra khơi vào năm 1912, không ai có thể dự đoán được rằng chiếc tàu được mệnh danh là "không thể chìm" lại trở thành một đống rỉ sét nằm dưới đáy Đại Tây Dương. Nhưng ít nhất điều này cũng giữ lại cho nhân loại một chút ký ức về con tàu hơn một thế kỷ sau hành trình yểu mệnh của nó.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lại tin rằng chỉ trong vài thập kỷ ngắn ngủi sắp tới, những gì còn sót lại của tàu Titanic cũng sẽ biến mất hoàn toàn vì một loại vi khuẩn.

Vào thời điểm xác tàu được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1985, con tàu vẫn còn khá nguyên vẹn. Nằm cách mặt biển 3,8 km, tàu Titanic yên nghỉ tại một khu vực hầu như không thể tạo điều kiện cho sự sống và dần dần bị nước biển ăn mòn.

Tuy nhiên, chỉ sau 30 năm, một loại vi khuẩn ăn kim loại đã khiến thân tàu trở nên rỉ sét. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thời gian còn lại của đống đổ nát chỉ còn khoảng 14 năm trước khi nó biến mất mãi mãi.

Tàn tích còn lại của tàu Titanic sắp biến mất mãi mãi. Ảnh: NOAA

Loại vi khuẩn chịu trách nhiệm cho sự biến mất của xác tàu Titanic có tên là Halomonas titanicae. Chúng được phát hiện vào năm 1991 nhưng mãi đến năm 2010 mới được tiến hành nghiên cứu. Theo các nhà khoa học, loại vi khuẩn này có thể tồn tại ở điều kiện sống hoàn toàn không tương thích với hầu hết các dạng sống trên Trái Đất: trong làn nước biển tối đen như mực và dưới áp suất cực mạnh.

Không những thế, vi khuẩn Halomonas còn được phát hiện tồn tại trong một môi trường không kém phần khắc nghiệt khác: các đầm nước mặn. Tại đây, độ muối của nước có thể thay đổi chóng mặt do sự bốc hơi nhưng loại vi khuẩn này đã tìm được cách thích ứng với môi trường.

Ngoài ra, chúng cũng không phải loại vi khuẩn duy nhất thích sinh sống trong các xác tàu. Rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau sẽ xâm nhập một con tàu ngay lập tức sau khi nó chìm xuống đáy biển và nhanh chóng tạo ra một màng sinh học bao phủ trên khắp các bề mặt.

Các màng này trở thành nơi ẩn náu của san hô, bọt biển và nhuyễn thể, từ đó thu hút các động vật lớn hơn. Chỉ sau một thời gian ngắn, những gì còn lại của con tàu sẽ trở thành một loại rạn san hô nhân tạo, nơi có vô số sự sống.

 

Ảnh: World History

Mặc dù Halomonas titanicae có thể ăn sạch tàu Titanic nhưng có nhiều loại vi khuẩn lại thật sự bảo vệ con tàu khỏi sự ăn mòn. Đây cũng là lý do vì sao ngày nay vẫn còn rất nhiều xác tàu tồn tại từ thế kỷ 14 trước Công nguyên.

Năm 2014, một nhóm các nhà khoa học của Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Mỹ (BOEM) đã tiến hành một nghiên cứu được xem là chuyên sâu nhất từ trước nay vào cuộc sống của các loài vi khuẩn trên xác tàu.

Họ phát hiện ra rằng nguyên liệu đóng tàu chính là yếu tố quyết định loại vi khuẩn bị thu hút bởi xác tàu. Ví dụ như những con tàu gỗ sẽ là nơi sinh sôi của loại vi khuẩn tấn công và ăn sạch chất cellulose, hemicellulose hoặc lignin có trong gỗ. Ngược lại, tàu đóng bằng thép sẽ bị vi khuẩn thích ăn sắt chiếm đóng.

Phát hiện này thật sự là một điều đáng chú ý. Hiện nay, nằm dưới đáy biển của Vùng Vịnh là hơn 2.000 con tàu đắm, trong đó bao gồm cả tàu của Tây Ban Nha từ thế kỷ 16 đến tàn tích của những con tàu của Thế chiến II. Chúng là những di tích lịch sử quan trọng, đem lại cái nhìn sâu sắc độc đáo về quá khứ. Ngoài ra, đó còn là nhà của rất nhiều sự sống dưới biển sâu.

Theo Người lao động