Tưởng chừng chẳng có gì lớn khi cơ quan thực thi pháp luật tổ chức cưỡng chế lấn chiếm vỉa hè, tạo không gian thông thoáng cho đô thị. Dư luận xã hội cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau: ủng hộ, khen ngợi, phê phán cách làm, phản ứng tiêu cực, thiếu tin tưởng kỷ cương…Tuy nhiên, nói gì chăng nữa thì việc ủng hộ đang chiếm ưu thế - ủng hộ chủ trương, ủng hộ người lãnh đạo quyết liệt thi hành.

Lâu nay ai cũng biết vỉa hè là để dành cho người đi bộ, vỉa hè thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước quản lý. Đã là của Nhà nước, của chung thì không ai có quyền (tự ý) chiếm đoạt cho riêng mình. Thế nhưng, gần như “luật bất thành văn”, vỉa hè lại đang thuộc “quyền sở hữu” của nhà mặt tiền, của những người cố tình lấn chiếm và cả những người lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý để kiếm chác. Trong đó, không chỉ những người buôn thúng bán bưng mà còn cả những người có “quyền lực” với vỉa hè. Người này chiếm được thì kẻ khác cũng hùa theo, kẻ ít người nhiều đua nhau xí phần chiếm dụng trên từng tấc vỉa hè. Người ta coi vỉa hè trước nhà mình như một lãnh địa riêng, quyền sở hữu riêng. Lấn chiếm vỉa hè đã là vi phạm, đẩy người bộ hành đi xuống lòng đường cũng bị vi phạm theo. Vi phạm trở thành dây chuyền theo kiểu đôminô… Đô thị càng lớn, càng sầm uất thì giá trị từng tấc vỉa hè càng cao. Đồng nghĩa với nó là mức độ lấn chiếm sở hữu riêng càng quyết liệt và ngang nhiên. Giá nhà mặt tiền đường phố cao bao nhiêu thì giá trị vỉa hè cũng tăng theo tỉ lệ thuận và tăng cao ngất ngưởng ở những  đường phố lớn.

Khi nói đến tham nhũng thì người ta lên án, đòi hỏi xử lý theo pháp luật, nhưng khi những người cố tình chiếm dụng vỉa hè (tham nhũng công khai) thì không thấy ai lên tiếng phê phán, không tố cáo. Thực trạng như hiện nay thì số lượng người vi phạm không phải ít và được thực hiện ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật. Luật pháp không công bằng khi những người cố tình vi phạm công khai và có chủ đích nhưng không bị xử lý. Dù biết rằng giữa cưỡng chế với giải quyết việc làm, đời sống cho người dân quả là bài toán còn khá nan giải cho các cấp chính quyền.

Văn minh vỉa hè là một phần của văn minh đô thị. Trật tự vỉa hè là đòi hỏi cấp thiết nếu muốn xây dựng xã hội văn minh. Cao hơn nữa đó là kỷ cương phép nước từ cái tưởng như bình thường trên từng vỉa hè. Không thể xem nó là chuyện bên lề, là chuyện “vỉa hè”…Vỉa hè sẽ là chuyện lớn khi mà ai cũng đua nhau chiếm hữu, biến của chung thành của riêng. Bất ổn xã hội, trật tự sẽ lộn xộn nếu chúng ta buông lỏng công tác quản lý. Đã đến lúc cụm từ “đòi lại” phải đổi thành “trả lại” theo đúng nghĩa của nó. Luật pháp của Nhà nước là công bằng và không có ngoại lệ. 

NGUYỄN TRƯỜNG ĐÁ