Những ngôi mộ bị xéo nát

Trước ngày giỗ ông, gia đình tôi kéo nhau về quê đi thăm mồ mả những người thân đã quá cố. Việc này gần như đã thành thông lệ. Nghĩa trang quê tôi tọa lạc trên vùng cát trắng mênh mông, mùa mưa thì hun hút gió và rét cắt da cắt thịt; mùa nắng thì chang chang đổ lửa, khoảng 9 giờ sáng cát đã bỏng rát như chảo rang. Mấy năm gần đây, với sự phát triển của nghề trồng rừng, nhiều diện tích ở khu vực rú cát của nghĩa trang cũng được tận dụng để trồng keo, tràm. Người trồng rừng có thêm thu nhập mà cái nóng ở rú cát cũng đỡ gay gắt hơn rất nhiều nhờ màu xanh cây lá.

Nhưng rồi cũng đến lúc rừng cây được thu hoạch. Trồng đồng loạt nên thu hoạch cũng gần như đồng loạt. Những rú cát lại trở nên trơ trọi và sẽ phải mất vài ba năm nữa mới lại được phủ xanh nếu lứa cây trồng mới được chăm sóc tốt và gặp mưa hòa gió thuận. Tiếc, nhưng không có cách nào khác, có trồng thì có khai thác, nó đã như "quy luật" rồi. Chỉ thấy cực kỳ bất bình khi những người khai thác rừng cho xe vào vận chuyển mà bất chấp mồ mả của người khác. Họ cứ cho xe cày ngang xéo dọc, băng ngang nhiều ngôi mộ khiến những ngôi mộ này bị biến dạng, tổn thương đến tội nghiệp. "Phụ" thêm với những chiếc xe khai thác rừng còn là đội quân chở vật liệu xây dựng cho các bác thợ làm dịch vụ xây dựng lăng mộ. Toàn là những người "nhờ người chết" mà có công ăn việc làm, có thu nhập, nhưng lại thiếu tôn trọng người chết, kể cũng kỳ lạ (?!!)

Những người trên không rõ do nghĩ rằng ở chốn vắng vẻ, không ai biết chẳng ai hay, hay là cho rằng mình là dân "thổ địa", là "chúa đất vùng này", sẽ chẳng ai dám "ý kiến ý cò" gì nên sẵn sàng làm bừa?

Thôi hãy nói chuyện đạo đức, nhân văn ở đây; riêng ở góc độ luật pháp, họ có hiểu rằng ấy là hành vi xâm phạm mồ mả được ghi trong Bộ luật Hình sự?

Chính quyền địa phương có lẽ cũng thỉnh thoảng phải dạo một vòng để mắt nhắc nhở; vừa là để tăng cường vai trò quản lý, vừa là một hình thức giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho cư dân trên địa bàn.

Thượng Bích