Thiếu nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày là mối bận tâm của người dân và chính quyền xã Hương Sơn, huyện Nam Đông. Tại đây công trình nước tự chảy được xây dựng từ năm 2004 do dự án NAV tài trợ với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, được bàn giao cho địa phương sử dụng và quản lý, phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho khoảng 70% hộ dân trong tổng số 303 hộ trên địa bàn xã. Tuy nhiên, một năm nay công trình bị xuống cấp nghiêm trọng do hệ thống đường ống chính bị rò rỉ, dập nát nhiều đoạn gây nên tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, người dân phải đi vài cây số ra suối lấy nước sử dụng. Vào mùa mưa việc lấy nước sinh hoạt gặp nhiều khó khăn do đường khó đi, chưa kể nguồn nước này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Đưa đường ống nước đến những vùng xa

Trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì nước sạch là một tiêu chí rất quan trọng nhưng tại một số địa phương tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh vẫn thấp (xã Phong Thu, huyện Phong Điền là một minh chứng). Ông Nguyễn Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Phong Thu cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 30% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Đây là một tỷ lệ rất thấp, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng khoan và giếng bơm trong sinh hoạt hàng ngay. Tuy nhiên nguồn nước này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng chứa nhiều kim loại nặng và nhiễm phèn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Vừa qua, Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế phối hợp với xã tiến hành lễ khởi công xây dựng nhà máy nước sạch Phong Thu (Phong Điền), tạo nên sự phấn khởi cho cả chính quyền lẫn người dân, bởi sau khi nhà máy đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân trên địa bàn xã, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Theo bộ chỉ số theo dõi về đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến ngày 30-9-2012: Tỷ lệ % dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90% (551.063 người/613.833 người); tỷ lệ % số dân sử dụng nước sạch đáp ứng theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT là 54,8% (336.148 người/613.833 người). Đây là con số đáng mừng đánh dấu, sự cố gắng của lãnh đạo tỉnh và các cấp cùng người dân trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường vùng nông thôn.

Trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí nước sạch có quy định: Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 90% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt từ 50% trở lên. Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6/2009. Nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau khi lọc thoả mãn các yêu cầu chất lượng: Không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.

Ông Trương Công Nam, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế cho biết: Những năm qua, công ty phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước toàn tỉnh từ 170 ngàn m³/ngày, đêm vào năm 2011 lên 300 ngàn m³/ngày, đêm vào năm 2015; thi công trên 1.400km đường ống; phát triển thêm 15.000 hộ/năm và 145/152 phường xã sử dụng nước máy; nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch từ 65% lên 80% vào năm 2015 và trên 90% vào năm 2020, hướng đến cấp nước an toàn. Đặc biệt vừa qua, chúng tôi tiến hành lễ khởi công xây dựng nhà máy nước Phong Thu nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho Công ty Xi măng Đồng Lâm, khu công nghiệp Phong Điền, nhân dân thị trấn Phong Điền và các xã Phong Thu, Phong An, Phong Hiền, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên Huế, đến hết năm 2015 tối thiểu có 20 đến 25 xã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; đến năm 2020 có 50% đến 55% xã đạt chuẩn về nông thôn mới, phấn đấu cao hơn bình quân của cả nước với 100% tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Để thực hiện được điều đó UBND tỉnh có nhiều chính sách đầu tư mở rộng nâng cấp hệ thống cấp nước, giải quyết cơ bản vấn đề cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng cát, ven biển; đến năm 2015 tất cả xã đều được sử dụng nước máy, nước sạch đã qua xử lý; có kế hoạch bảo vệ và bảo tồn chất lượng nước, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên…

Hoàng Loan