Nhiều du khách thích đi dạo trên vỉa hè ngắm cảnh đẹp Huế. Ảnh: Tuệ Ninh |
Bây giờ thì những hình ảnh trên vỉa hè như thế không còn nữa. Có vỉa hè đâu mà đi dạo bộ. Vỉa hè đã thành nỗi nhớ khôn nguôi. Chao ôi, thương nhớ vỉa hè! Tôi bây giờ đã tuổi làm ông, lại mong những buổi dắt cháu đi trên vỉa hè dạo phố như những người già Hà Nội được thấy thời sinh viên. Nhưng ước mơ thật giản dị ấy sao vẫn là quá xa vời. Sống ở thành phố mà không có cái vỉa hè để đi bộ cứ như mình bị giam cầm, bị bó chân. Đi bộ xuống lòng đường thì sợ tai nạn. Hình như cả thành phố Huế không còn vỉa hè nữa. Phần do nhiều đường mới mở không quy hoạch vỉa hè, hoặc có quy hoạch nhưng vỉa hè rất nhỏ. Vỉa hè làm rồi cũng như không vì bị lấn chiếm. Những phố lớn đẹp nhất của Huế có vỉa hè rộng như Lê Lợi, Điện Biên Phủ... cũng không còn vỉa hè nữa. Đoạn đường Lê Lợi trước UBND tỉnh, trước Trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, trước Bệnh viện TW Huế những ngày lễ, ngày thi cử của học trò, hay các chiều chủ nhật, đều biến nơi bán hoa, bán cà phê giải khát. Tất cả đã được các gia đình, người bán hàng rong trưng dụng cho kinh doanh. Vỉa hè biến thành nơi bán hàng, sửa xe đạp, bãi đỗ xe máy, tập kết rác... khiến bộ mặt phố phường nhếch nhác, bẩn thỉu. Cả các lề cầu như cầu Bến Ngự cũng trở thành chỗ hàng hàng tấp nập. Công an đuổi thì bưng thúng chạy. Công an đi rồi tất cả lại về nguyên như cũ. Người đi bộ đành đi xuống lòng đường, lòng cầu. Cả việc tang ma, cưới xin cũng tự do dựng rạp căng lều, chắn hết vỉa hè, lấn ra xả một phần đường. Rồi khai trương khánh thành hàng quán, nhà cửa còn có cả ban nhạc sống cũng rôm rả trên vỉa hè giữa thanh thiên bạch nhật. Người ta còn bày bán sách, bán giày dép, bán quần áo bành, ngang nhiên chiếm từng đoạn phố bán hàng ngày này qua ngày khác. Hay nhất là “cà phê vỉa hè”. Ở rất nhiều con phố ở Huế có cà phê vỉa hè. Người bán cà phê chỉ cần ly, cốc, bàn ghế nhựa nhỏ. Người uống cà phê chỉ cần một cái ghế để ngồi, cái ghế nhỏ khác để ly cà phê và gói thuốc. Thế là cả một dãy phố người uống cà phê đặc kín vỉa hè từ sáng đến 10 giờ trưa chưa nghỉ. Có ai đó viết tản văn ca ngợi cà phê bụi vỉa hè là cà phê lãng tử, cà phê của người nghèo. Tôi nghĩ, dù sao thì được dắt con, dắt cháu đi bộ trên vỉa hè còn thú vị hơn ngồi cà phê bụi nhiều. Hơn nữa, vỉa hè là tài sản công cộng, nó dành cho sinh hoạt cộng đồng, nên không ai được lấn chiếm làm của riêng.
Tại sao lại có chuyện tràn ra vỉa hè? Tất cả là do quản lý xã hội chưa chặt chẽ, còn xuê xoa, nể nang. Việt Nam ta là nước nông nhiệp. Đô thị hóa ngày càng phát triển, ruộng đất ngày một ít lại. Một bộ phận người dân nông thôn thất nghiệp đổ ra thành phố kiếm sống bằng đủ loại nghề, trong đó có “nghề” chiếm đoạt vỉa hè bán hàng. Đây là vấn đề rất phức tạp của xã hội, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải tập trung suy nghĩ, tính toán mới chấn chỉnh được. Tôi nghĩ, các phường phải có trách nhiệm quản lý vỉa hè. Không được lấy vỉa hè cho đầu thầu bán hàng để thu ngân sách. Mình quản lý, kiểm tra kiểm soát, xử phạt liên tục thì người dân sẽ nhận ra tầm quan trọng của vỉa hè trong nếp sống đô thị, họ tự giác rồi lui. Trước mắt, nên cấm ngặt việc chiếm dụng vỉa hè ở một số tuyến phố đẹp để dành cho người đi bộ. Các phố khác nên kẻ vạch phân định lối của người đi bộ, phần dành cho bán hàng hay giữ xe. Ở thành phố Hội An, bán hàng rong cũng nhiều, nhưng chính quyền ở đây người ta kẻ vạch quy định phần đường lớn hơn dành cho người đi bộ, phần đường nhỏ phiá sát tường phố mới được bán hàng. Nhờ cách làm đó mà Hội An vẫn vỉa hè thông thoáng. Đó là điều nên học hỏi.
Phố xá không có vỉa hè là loại phố không ra phố, mất trật tự, mất văn hóa, dễ phát sinh trộm cắp, cướp giật, tai nạn giao thông. Để có nếp sống văn minh đô thị, tất cả đường phố phải có vỉa hè, phải đưa vỉa hè thành một vấn đề cấp bách của đô thị cần được chấn chỉnh, trả lại sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ. Huế là thành phố du lịch lại càng cần giải phóng vỉa hè cho du khách dạo chơi.