Bác Lịch trao đổi với khách về cách chăm bón cây. Ảnh: Hoàng Mai

Tối qua sương dầy, nên chẳng mấy chốc mà chiếc áo mưa ngắn trên người bác Lịch đã thẫm lại. Đôi ủng cao su nửa bắp chân cũng đầy vết cỏ ướt và bùn đất nhưng chiếc cuốc trong tay lại mang vẻ bóng loáng của mồ hôi. Mùi đất và mùi cỏ chộn rộn khi nắng sớm bắt đầu len lỏi giữa những tán cây. Thanh trà đã bắt đầu đậu quả nhưng mùa hoa vẫn chưa ngót. Không gian loang dịu mùi hương. “Tui vô vườn từ sớm – bác Lịch nói – Thời tiết đang có vẻ thuận. Mai mốt chắc phải trỉa bớt quả chớ hắn đậu nhiều rứa cũng không phải là hay. Năm nay ngó ri là thanh trà được mùa rồi đây”...

Khi đứng chân vào đám cỏ ướt và nhìn vườn cây rộng, đều tắp, tán to và khỏe, tôi chắc mình hiểu được sự sảng khoái của người làm vườn. Sau 10 năm gầy dựng và chăm chút, bác Lịch gần như đã thuộc từng dáng cây và biết mình phải làm gì khi thời tiết thay đổi. Chẳng hạn như cây này cần phải bẻ bớt cành non; cây kia phải xem lại bộ rễ và cây nào phải phun thêm thuốc vì thấy có dấu hiệu của sâu vãi bùa làm quăn lá. Đất ẩm quá cũng không tốt vì thanh trà dễ bị thối gốc… Dẫn giống về từ vườn ươm của Công ty giống cây trồng nên không chỉ thanh trà của bác Lịch mà nhiều vườn thanh trà ở Phong Thu đều có sức đề kháng khá tốt khi bộ rễ cao và có sức vươn. Cây ghép thì chỉ 4-5 năm là có trái nhưng không hiệu quả khi sức chịu đựng kém mỗi khi trời tố (gió to hay lụt bão), lại dễ bị bệnh. Năm rồi, thu 100 triệu đồng từ vườn thanh trà 1 ha nhưng năm nay, bác Lịch đoan chắc phải được 150 triệu đồng khi trái đậu đều hơn trên diện rộng.

Thanh trà Phong Thu đã bắt đầu đậu quả. Ảnh: Hàn Đăng

Khu vườn ở An Thôn là mô hình khác khi mấy hộ gia đình đã cùng nhau gom 6,5 ha đất lại để cùng trồng thanh trà. Trên công đất rộng, những đồng chủ nhân đã cùng chăm sóc, nhắc nhau những dấu hiệu phát sinh hàng ngày. Không gặp ai ở đây, nhưng cứ nhìn gốc cây sạch cỏ, những lượt phân chuồng rải đều trên mặt đất, biết người ta chỉ vừa nghỉ sau một đợt chăm sóc. Mấy bụi hóp ven đường chỉ còn lại dáng hình cong queo vì lửa. Hình ảnh ấy cũng đã nhắc người cùng đi kể với tôi về lai lịch trồng lồ ô hay khoai, sắn trên những thửa ruộng lúc hãy còn manh mún. Giờ thì gần như người dân Phong Thu đã chuyển hết những diện tích đất vườn tạp, đất trồng cây lâu năm, cây lương thực kém hiệu quả sang thanh trà cả rồi – Quý, Phó Chủ tịch trẻ của UBND xã bảo.

Chắc chắn là sức hút từ doanh thu khi vào mùa về đã lan đến từng hộ gia đình, nên gần như chỗ nào tôi cũng thấy sự hiện diện của thanh trà khi đi trên con đường bê tông dài gần chục km trên con đường liên xã. Cho dù có nơi chỉ chừng trên 100 m2, có nơi chỉ vài ba cây và có chỗ là cả một khu vườn rộng. Bình quân 20.000 đồng/quả, tính sơ mỗi gốc thanh trà cũng mang về 1,5 đến 2 triệu đồng. “Một cây thanh trà bằng 3 sào lúa. Hiệu quả rứa nên vẽ chi mà tụi tui không ham cho được” – người đàn ông miệng đỏ trầu tên Thông cũng ở thôn Trạch Hữu hồ hởi khi chúng tôi ghé qua. Trước sân nhà ông có một máy cày đất loại nhỏ. Thửa vườn đất phù sa sạch tươm. Thấy khách ngó chừng, vợ ông nói luôn là còn vườn phía sau nữa, rộng hơn ri nhiều. Mặn chuyện, ông Thông bảo, vô mùa mấy anh chị ghé qua thấy “đã” lắm. Người ta đến hái để cả bao, cả bao dưới các gốc rứa. Mỗi bao chừng 20-25 quả, nhưng người ta mua tợ nguyên bao là 500.000 đồng. Cứ rứa mà tính thôi. Năm ngoái tui cũng bán được ngót nghét 100 triệu. Riêng cái cây trước mặt nhà cũng được 3 triệu luôn đó. “Hắn” sai dữ lắm…

“Chiến lược” thanh trà đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân ven sông Ô Lâu. Ảnh: Hàn Đăng

Tôi nhớ vẻ mặt tiếc rẻ của ông Thắng ở thôn Vân Trạch Hòa lúc bảo, hồi đầu ham quá nên trồng dầy, chừ cây chen tán nên quả cũng không nhiều. Rồi chắc chỉ có cách chặt bỏ bớt, may ra… Kể ra thì lúc đầu cũng ngờ ngợ khi ông nói là bình quân 1 quả chỉ 4.000-5.000 đồng nhưng nhìn vườn thì hiểu. Việc sửa sai, chắc cũng chỉ ngày một ngày hai thôi vì thanh trà nhà người ta được giá, nhẽ nào vườn “mền” lại thua?

Cho đến bây giờ thì thanh trà ở Phong Điền đã vào khoảng gần 300 ha, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích cây có múi, trong đó nhiều nhất là Phong Thu, rồi đến thị trấn, Phong Hòa, Phong Sơn và cả Phong Mỹ. Không có con số cụ thể trên toàn địa bàn, nhưng những người có trách nhiệm cho tôi hay, riêng năm 2016, 18 tỷ đồng là doanh thu từ thanh trà của Phong Thu. Giờ thì tất cả đã “vào phom” cả rồi. Người dân đã tự mở rộng và tận dụng những diện tích có thể cho thanh trà chứ không lay lắt, lận đận như 10 năm về trước. Không chỉ có hẳn một nghị quyết phát triển vùng cây ăn trái, ngày đó, cán bộ xã đã trở thành những người tiên phong cho việc chuyển đổi vườn tạp, đất trồng kém hiệu quả sang mở rộng vườn chuyên canh. Có vẻ như đất đai thổ nhưỡng ở đây cũng phù hợp với những trận lụt nhỏ đủ mang phù sa về nên vùng đất ở cửa ngõ phía bắc đã bắt đầu mang dáng vóc của vùng chuyên canh. Ngoài cây chủ lực còn có cam, quýt, bưởi da xanh… 600 ha cây có múi là định hướng ngắn hạn của Phong Điền đến năm 2020, trong đó thanh trà sẽ vào khoảng 400ha.

Không hẳn là quá to tát, song “chiến lược” thanh trà xem chừng đã bén rễ sâu đến độ trở thành mối quan tâm thường ngày của người dân ven sông Ô Lâu. Nhìn cách lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã của họ xem xét từng cây và trao đổi với nhau việc làm thế nào cảnh báo ngay đến người dân về dấu hiệu của bệnh chảy mủ là có thể thấy ngay điều đó. Liệu sẽ có ngay những phản ứng tức thời không nếu thiếu sự gần gũi và am hiểu thấu đáo?

Mùa hè năm 2015, thanh trà Huế “made in” Phong Điền là sự ngạc nhiên đầu tiên của tôi khi nhận được món quà với logo thương hiệu thanh trà Huế. Ngọt dịu, tép nhỏ và vừa gọn trên những ngón tay hơi xòe ra là một cảm nhận vô cùng thú vị, nhất là nó lại đến từ nơi gần như không nhiều người biết và có thể mường tượng được. Mùa hè năm 2016, tôi cũng đã phải nhờ người đặt mấy hôm mới lấy được thanh trà vùng Ô Lâu để gửi ra Bắc làm quà. Hỏi ra thì mới biết, các vườn thanh trà đều được thương lái đặt trước và mua bao hết. Bác Lịch hôm rồi còn bảo, có thương lái còn ra gom thanh trà ngoài ni, về dán nhãn thanh trà Thủy Biều là bán 40.000 đồng/quả ngon ơ. Tụi tui biết rứa, nên chắc cũng sẽ tính để mở các điểm giới thiệu sản phẩm của mình khi vụ tới.

Đã từng mê mẩn những vườn thanh trà đầy trái ở Thủy Biều, trong mùa hè đầy nắng, đã từng lặng người vì hoa thanh trà ngan ngát trên những đường kiệt nhỏ nhắn và yên tĩnh khi chiều xuống Long Hồ (Hương Hồ) nên ngờm ngợp mà mê thích là cảm giác mà tôi có khi đến Phong Thu. Chưa gì tôi đã nghĩ đến lần trở lại, vào mùa quả chín, với những ánh mắt ngỡ ngàng của lũ trẻ khi được mẹ “thả” vào vườn sum suê cây trái…

Chắc chắn, đó là một vẻ đẹp khác giữa những điều đã có với những cánh cò bay trắng trên các cánh đồng; với những vùng ngập nước ẩn giấu trong mình những tiềm năng chưa được khai phá hay những dòng suối ấm nóng, những trò chơi mạo hiểm ở Thanh Tân resort &spa…

HOÀNG MAI