Chuyện bắt đầu khi con trai anh chị xa dần vòng tay, tầm mắt ba mẹ, dành thời gian cho bạn bè và trường lớp nhiều hơn ở nhà. Ấy là lúc, chị cảm thấy độ hài lòng về con vơi dần và bực dọc tăng lên khi nó ngang nhiên bước qua “cấm chỉ”. Đầu tiên là về trễ, nó nhiều lần phá giới hạn 9 giờ tối phải có mặt ở nhà như mẹ dặn. Ngoài học ở trường và học thêm, nó có cả mớ lý do để ra ngoài, khi thì sinh nhật bạn hay đá banh, lúc tập văn nghệ hay dọn vệ sinh ở trường. Cứ thấy con dắt xe đạp ra là chị lại phấp phỏng lo, kéo theo là những giờ phút đợi con lê thê. Về trễ, bị mẹ gắt, thằng bé cứ lẳng lặng; thế đã may, có lúc nó còn quay lại, dẩu mỏ: “Sau chung vui còn chung chi, con bỏ về trước sao được?!”. Chị nóng mặt nhưng anh đã kéo vô buồng, nói khẽ: “Cũng phải để con có khoảng tự do”. Với con, anh thường đưa ra những định hướng chung chung “Lo mà học, con ạ”, “Đi lại cẩn thận nghe”, “Nhớ về sớm nhé”... Chị thì khác, con ra khỏi nhà là phải biết đi đâu, làm gì, với ai, lúc nào về. Chị những muốn con luôn ở trong cái vòng giới hạn do mẹ vạch sẵn. Thằng bé khó chịu ra mặt do bị kiểm soát ngặt, lắm lúc nó phồng mặt, dấm dẳng trả lời mẹ.

Lấn thêm một bước trên cái đà trượt khỏi vòng tay ba mẹ, nó bắt đầu cãi lại lúc chị hớ hênh. Con đi học thêm mà mẹ ngờ đi chơi, nó xin tiền nộp cho lớp nhưng bị nghi để chơi game là “nổ” liền: “Mẹ không tin thì hỏi cô đi!”. Mẹ vặn vẹo; con đỏ mặt, đáp lại bằng lý sự ấm ức với âm lượng tăng dần. Anh xuất hiện, tay chém gió như cái ba-ri-e dập xuống: “Thôi đi!”. Chị im nhưng chưa thôi bực tức, cứ thấy con cãi lại nhem nhẻm là mọi kìm nén của chị như bất lực và bạo lực muốn trỗi dậy. Những lúc ấy chị cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Con đi rồi, anh mới trách khéo: “Em muốn con biết bênh vực lẽ phải nhưng bắt nó phải vâng lời cả khi mẹ nói sai thì đâu được!”. Chị ngồi lặng, nhìn xa xăm, giọng hoài cổ: “Mình hồi nhỏ mà cãi lại cha mẹ như thế, không nát mông thì cũng răng môi lẫn lộn!”.

Khi con nộp hồ sơ thi đại học thì bất hòa giữa mẹ con lại bùng phát cấp độ cao. Thằng bé cứ khăng khăng thi vào bách khoa với chuyên ngành điện tử, mẹ thì muốn con học y. Không vội vàng áp đặt, chị lung lạc con theo ý mình bằng dẫn dắt xa xôi, rằng học y không chỉ cho mình mà còn cho người thân, bệnh tật không chừa ai nên có bác sĩ trong nhà, quý vô cùng; rằng đã có mấy nghề được tôn vinh là thầy như những lương y. Thằng bé vẫn kiên định ngành học đã chọn bởi “con thích điện tử’”. Chị nhiều lần lặp lại mong muốn con đổi ngành học nhưng cuối cùng đành bất lực, buông xuôi. Chị giận, cả tuần liền không ngó mặt, nói chuyện với con. Anh xoa dịu: “Con tự biết khả năng của mình. Em nên tôn trọng lựa chọn của nó”. Cuối năm học thứ nhất, nó nhận học bổng cao, lại đoạt giải trong kỳ thi robocon cấp quốc gia. Niềm vui của con lây sang mẹ nhưng nỗi tự ái do nó không vâng lời khiến chị vờ dửng dưng.

Chẳng biết do lời mẹ “khoan vội yêu đương, tập trung vào học” hay chưa gặp duyên mà suốt mấy năm đại học, thằng bé vẫn chưa có bạn gái. Nó vẫn tụ tập bạn bè đá banh, đàn hát, đi picnic nhưng dường như vẫn chưa tình ý với riêng ai. Cảm nhận ấy của chị càng được khẳng định khi thấy các bạn gái tới nhà mà con vẫn quần đùi áo lót, vẫn mày tao tía lia, nói cười thả cửa. Những lần đi dự đám cưới con của bạn càng nhiều khiến chị càng ước có cháu. Chị đánh tiếng xa gần: “Mẹ gặp bạn, ai cũng hỏi sắp làm sui chưa?”. Con trai chỉ cười rồi lảng sang chuyện khác.

Lúc con ra trường và đi làm ở một cơ quan nhà nước, chị vạch lộ trình tiến tới hôn nhân cho nó, với thời hạn, yêu cầu đạt được tựa như kế hoạch công tác. Và rồi, chị háo hức lẫn hồi hộp khi con đưa bạn gái về giới thiệu. Giấu sự xét nét sau vẻ thân thiện cùng nụ cười xởi lởi, chị lặng lẽ quan sát bạn của con. Không hương trời sắc nước, chẳng khả năng đặc biệt nhưng cô gái dễ mến, ưa nhìn. Tuy nhiên, những thổ lộ của con sau đó khiến chị hoang mang; chị từ manh nha hy vọng chuyển sang thất vọng, khi biết cô gái là con ngoài giá thú, chưa có việc làm ổn định, lại lớn hơn bạn trai hai tuổi. Nghe chị bàn lùi, nó không lắc cũng chẳng gật. Anh đứng về phía con: “Vợ hơn tuổi chồng thì đã sao? Con ngoài giá thú nhưng lắm người làm nên công danh sự nghiệp đó thôi!”. Theo chị, con dâu có gia thế, nghề nghiệp đàng hoàng cũng là niềm hãnh diện của mẹ cha. Nghĩ về những nhà cùng phố có gia cảnh thường thôi nhưng được con dâu đẹp người, đẹp nết, chị chạnh lòng. Đáp lại phản bác của mẹ, con trai chỉ im lặng nhưng chị biết nó không đổi ý.

Bực tức trong chị nhân lên khi thấy con nuông chiều bạn gái quá mức. Tầm 5 giờ sáng, dù mưa gió não nùng hay rét buốt tái tê, nó đã lật đật thức giấc, làm một cuốc xe ôm miễn phí đưa người yêu đi làm; chiều muộn lại đón về. Lúc rảnh rỗi ở nhà, nó nằm dài nghe nhạc hay chơi game, đến cuộn chăn gấp màn cũng nhác nhưng nghe bạn gái sắp đến thì luôn tay lau bàn, lau ghế, quét nhà rồi chuẩn bị trái cây, nước uống. Nhìn cái cách con tráng ly nhiều lần trước khi rót nước rồi tỉ mẩn bóc vỏ trái cây trước khi đưa lên miệng người yêu, chị ngứa mắt. Sao chẳng bù những khi mẹ sai bảo, nó cứ khất lần hoặc mẹ ốm cũng không hay?! “Mới yêu mà đã thế, sau này cưới chắc đội vợ lên đầu?!”- Chị cay đắng nghĩ. Nghe mẹ khuyên, không nên săn đón, hạ mình trước người yêu như thế, con hồn nhiên: “Con thích thế, mẹ ạ”. Chị thả tay, lắc đầu ngao ngán. Chị kể với chồng, những mong nhận được cộng hưởng nhưng anh có ý khác: “Tình yêu khiến người ta biết hy sinh và muốn hoàn thiện mình mà em”.

Bẵng một thời gian không thấy con đưa bạn gái tới nhà, chị chột dạ định hỏi nhưng nhìn vẻ lẳng lặng, đôi khi cau có của nó, chị ngại. Rồi đến lúc sự thật được phơi bày - hai đứa đã chia tay. Chị áy náy khi không biết lời mình có là tác nhân chia lìa đôi lứa. Nghe con nói “cô ấy chủ động trong chuyện này vì phải theo gia đình ra nước ngoài định cư”, chị phần nào nhẹ lòng. Nhìn con đau khổ, chị tự nhủ sẽ không bao giờ xen vào chuyện riêng của nó.

Nghĩ vậy nhưng khi biết con thôi việc cơ quan nhà nước, chuyển qua công ty nước ngoài, chị không thể im tiếng. Người ta "chạy" vào cơ quan nhà nước không được, sao mình lại bỏ đi?! Nghe con giải thích lòng vòng về quyết định chuyển chỗ làm, chị chẳng thông. Nó còn giễu: “Giờ mà mẹ vẫn nghĩ vào biên chế nhà nước mới nhất là lạc hậu rồi!”. Biết không thể làm con đổi ý, chị nhịn nhưng buồn.

Như thường khi, anh lại đứng về phía con, không chỉ vài lời xoa dịu cốt dung hòa mẹ con, anh ngồi với chị hồi lâu, chuyện trò về con trai. Hạ hồi, anh nắm chặt tay chị: “Em yêu thương con thì hãy tôn trọng và để nó được là chính mình; đừng để tình thương nhuốm màu vị kỷ khi cứ bắt con phải sống theo ý mình, em ạ”. Lời anh thoảng nhẹ nhưng khiến chị giật mình.

Con sớm khẳng định được ở chỗ làm mới khiến mẹ vui. Vui hơn là công ty định cho nó ra nước ngoài học lên rồi giữ lại làm việc ở tập đoàn bên đó. Trong khi mẹ tíu tít hỏi đi hỏi lại thì con chỉ cười cười rồi cắt ngang: “Nhưng con đã từ chối rồi”. Chị tròn mắt, xuýt xoa: “Sao lại thế?”. Đáp lại vẻ sốt ruột có phần hẫng hụt của mẹ, con từ tốn: “Được ra nước ngoài học từng là ước mơ của con; làm việc bên đó cũng có lợi nhiều - nó nhìn mẹ, trầm giọng - nhưng ba mẹ chỉ có mỗi con, mẹ lại hay đau, con ở xa yên lòng sao được, hả mẹ!?”.

Chị rưng rưng ngước nhìn con, thấy nó vừa quen vừa lạ thật đáng yêu. “Mẹ yêu con thì bắt làm theo ý mình, con thương mẹ thì hy sinh cả cơ hội du học” - suy ngẫm chợt đến khiến chị ngồi lặng trong buồn vui lẫn lộn.

Nguyễn Trọng Hoạt