San hô bị tẩy trắng do tác động của tình trạng nước biển nóng lên. Ảnh: Reuters

Nước biển nóng lên quanh các rạn san hô đã làm chết khoảng 2/3 dải san hô dài 700km trong năm ngoái do dòng nước ấm làm san hô bị tiêu hủy tảo sống, làm cho nó bạc màu và trở nên trắng xoá, một quá trình được gọi là tẩy trắng. Đó là chết san hô tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Trong một báo cáo, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Rạn san hô tổng hợp ARC cho biết, ngay cả những vùng sống sót được sau năm ngoái cũng sẽ không phục hồi được như nguyên thuỷ, do tình trạng nước nóng bất thưởng ngày càng trở nên thường xuyên hơn, dẫn đến nhiều đợt tẩy trắng.

"Theo thời gian, san hô có thể hồi phục sau khi bị tẩy trắng, nhưng sẽ xảy ra vấn đề lại khi tình trạng bất lợi cứ lặp đi lặp lại liên tục", ông Janice Lough, nhà nghiên cứu chính của Viện Hải dương học Australia cho hay.

Kết luận này là một cú sốc lớn đối với ngành công nghiệp du lịch của Australia, khi kỳ quan thế giới này có thể thu hút khoảng 3,9 tỷ USD mỗi năm từ các khách du lịch, một báo cáo năm 2013 ước tính.

Theo các nhà khoa học, những phát hiện này cho thấy sự khẩn cấp trong việc cần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học James Cook cho biết, triển vọng của ran san hô Great Barrier ngày càng trở nên đen tối, khi có bằng chứng cho thấy sẽ có đợt tẩy trắng lần thứ hai liên tiếp trong năm nay.

Bảo Nghi (Lược dịch từ CNA & Reuters)